Archive for tháng 12 2020

ĐTC Phanxicô: Lòng biết ơn làm cho thế giới tốt hơn

 

ĐTC Phanxicô: Lòng biết ơn làm cho thế giới tốt hơn

Buổi tiếp kiến chung cuối cùng của Đức Thánh Cha trong năm 2020 vào sáng 30/12 vẫn được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Thư viện Dinh Tông tòa. Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha tiếp tục trình bày về đề tài cầu nguyện, với chủ đề lời cầu nguyện tạ ơn.

Dựa trên đoạn Tin Mừng theo thánh Luca thuật lại câu chuyện người phong cùi duy nhất trong số 10 người được lành bệnh quay trở lại tạ ơn Chúa Giê-su, Đức Thánh Cha nhắc đến tầm quan trọng của lòng biết ơn. Nó cho thấy sự khác biệt lớn giữa những tấm lòng biết ơn và những tấm lòng không biết ơn; giữa những người coi mọi thứ là công sức của họ và những người đón nhận mọi thứ như ân sủng.

Lời tạ ơn của Ki-tô hữu xuất phát từ lòng biết ơn tình yêu của Thiên Chúa được mặc khải qua sự Nhập thể của Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa và Đấng Cứu độ của chúng ta. Các trình thuật Tin Mừng về việc giáng sinh của Chúa Ki-tô cho chúng ta thấy cách đón nhận Đấng Cứu Thế đến của các tâm hồn tin tưởng và cầu nguyện cho lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện.

Đức Thánh Cha cầu chúc rằng việc cử hành lễ Giáng sinh của chúng ta được ghi dấu bằng lời cầu nguyện tạ ơn vì ân sủng cứu độ của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên thế giới của chúng ta. Và xin cho những lời tạ ơn này giúp chúng ta có thể mang niềm vui và hy vọng của Tin Mừng cho những người xung quang chúng ta, đặc biệt là những anh chị em nghèo khổ nhất.

Chúa Giê-su không xa tránh những người phong cùi

Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng ngoài nỗi đau thể xác, những người bệnh phong cùi còn bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nhưng Chúa Giê-su không ngại gặp họ. Đôi khi Người vượt quá giới hạn do lề luật đặt ra; Người chạm vào người bệnh – điều không được làm -, ôm lấy họ và chữa lành họ.

Mười người phong cùi

Trong câu chuyện được thuật lại trong Tin Mừng Thánh Luca, Chúa Giê-su không tiếp xúc trực tiếp với họ. Sau lời cầu xin của những người phong cùi: “Lạy Thầy Giê-su, xin thương xót chúng tôi!” (17,13), Chúa Giê-su ngay lập tức bảo họ đi trình diện với các tư tế (c.14), những người, theo lề luật, có trách nhiệm chứng nhận các bệnh nhân được chữa lành.

Đức Thánh Cha nhận xét: Chúa Giêsu không nói gì khác. Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của họ, Chúa đã nghe thấy tiếng kêu xin thương xót của họ, và lập tức bảo họ đến các thầy tư tế.

Mười người phong cùi đó tin tưởng, họ không ở đó đợi cho đến khi được chữa lành; họ tin tưởng và đi ngay lập tức, và khi đang đi thì họ được chữa lành, cả mười người đều lành. Do đó, các tư tế có thể đã nhìn thấy sự hồi phục của họ và cho họ trở lại cuộc sống bình thường.

Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Nhưng ở đây có điểm quan trọng nhất: trong nhóm đó, chỉ có một người, trước khi đi gặp các thầy tư tế, đã quay lại tạ ơn Chúa Giê-su và ngợi khen Thiên Chúa vì ân sủng đã nhận được. Chỉ một người, chín người còn lại tiếp tục hành trình. Và Chúa Giê-su lưu ý rằng người đàn ông đó là người Samaria, một loại “lạc giáo” đối với người Do Thái thời đó. Chúa Giê-su nhận xét: “Sao chẳng có ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, ngoại trừ người ngoại bang này?” (17,18).

Ân sủng đi trước lời tạ ơn

Và Đức Thánh Cha nhận định: Câu chuyện này phân chia thế giới làm hai: một bên là những người không cảm ơn và bên kia là những người tạ ơn; một bên đón nhận mọi thứ như họ phải được nhận, và một bên đón nhận mọi thứ như một món quà, như một ân sủng. Sách Giáo lý viết: “Mọi biến cố và mọi nhu cầu đều có thể trở thành dịp để dâng lời tạ ơn” (số 2638). Do đó, Đức Thánh Cha nói: Lời cầu nguyện tạ ơn luôn luôn bắt đầu từ đây: nhận ra mình nhận được ân sủng trước. Chúng ta đã được nghĩ đến trước khi chúng ta học cách nghĩ về người khác; chúng ta đã được yêu thương trước khi chúng ta học cách thương yêu; chúng ta đã được mong muốn trước khi một mong muốn nảy sinh trong tâm hồn chúng ta. Nếu chúng ta nhìn cuộc sống như thế này thì lời “cảm ơn” trở thành động lực ngày sống của chúng ta.

Món quà sự sống

Ki-tô hữu gọi bí tích quan trọng nhất, (bí tích Thánh Thể), là “Eucaristia”; trong tiếng Hy Lạp, từ này có nghĩa là tạ ơn. Đức Thánh Cha giải thích: Các Ki-tô hữu cũng như tất cả những người có đức tin, chúc tụng Chúa về món quà là sự sống. Sống, trên hết, có nghĩa là lãnh nhận: nhận được sự sống! Tất cả chúng ta được sinh ra bởi vì có ai đó mong muốn sự sống cho chúng ta. Và đây chỉ là khoản nợ đầu tiên trong một chuỗi dài những món nợ mà chúng ta mắc nợ trong cuộc sống. Nợ ơn nghĩa. Trong cuộc sống của chúng ta, có hơn một người đã nhìn chúng ta bằng đôi mắt trong sáng, hoàn toàn nhưng không. Thông thường họ là những nhà giáo dục, các giáo lý viên, những người đã thực hiện vai trò của mình vượt quá mức độ yêu cầu của bổn phận. Và họ đã khơi dậy lòng biết ơn trong chúng ta. Tình bạn cũng là một món quà để luôn biết ơn.

Tình yêu làm nảy sinh lòng biết ơn

Tiếp tục bài giáo lý Đức Thánh Cha nhận xét: Lời “cám ơn” này, lời mà chúng ta phải liên tục nói, lời mà Ki-tô hữu chia sẻ với mọi người, phát triển trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su. Các Tin Mừng chứng thực rằng khi Chúa Giê-su đi ngang qua, Người thường gợi lên trong lòng những người được gặp Người niềm vui và lời ngợi khen Thiên Chúa. Các tường thuật trong Tin Mừng kể về những người cầu nguyện, những người được sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế tác động. Và chúng ta cũng được kêu gọi tham gia vào niềm hân hoan bao la này.

Và câu chuyện về mười người phong cùi được chữa lành cũng gợi ý điều này. Đức Thánh Cha giải thích: Đương nhiên, mọi người đều vui mừng vì được hồi phục sức khỏe, có thể thoát ra khỏi sự cách ly bắt buộc liên tục khiến họ bị loại khỏi cộng đồng. Nhưng trong số họ có một người cảm nhận thêm một niềm vui: ngoài việc được chữa lành bệnh, anh ta còn vui mừng vì được gặp gỡ Chúa Giêsu, không những được giải thoát khỏi sự dữ, mà giờ đây anh ta còn chắc chắn được yêu thương. Đây là điều cốt lõi: khi bạn cảm ơn, bạn thể hiện sự chắc rằng bạn được yêu thương. Đó là khám phá ra tình yêu như sức mạnh điều khiển thế giới, như thi sĩ Dante đã nói: Tình yêu “làm di chuyển mặt trời và các vì sao khác” (Paradiso, XXXIII, 145 ). Chúng ta không còn là những lữ khách lang thang đây đó không mục đích: chúng ta có một ngôi nhà, chúng ta ở trong Chúa Ki-tô, và từ “nơi cư trú” này, chúng ta chiêm ngắm phần còn lại của thế giới, và nó dường như vô cùng đẹp hơn đối với chúng ta.

Niềm vui gặp gỡ Chúa

Do đó, Đức Thánh Cha mời gọi: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy luôn cố gắng sống trong niềm vui được gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chúng ta hãy gieo trồng niềm vui. Ngược lại, ma quỷ, sau khi đã lừa dối chúng ta, luôn khiến chúng ta buồn bã và cô đơn. Nếu chúng ta ở trong Chúa Ki-tô, không có tội lỗi và sự đe dọa nào có thể ngăn cản chúng ta tiếp tục bước đi với niềm vui, cùng với rất nhiều bạn đồng hành.

Lòng biết ơn giúp thế giới tốt đẹp hơn

Đức Thánh Cha nhắc nhở: Đặc biệt, chúng ta đừng quên cảm ơn: nếu chúng ta là người mang lòng biết ơn thì thế giới cũng trở nên tốt đẹp hơn, dù chỉ một chút thôi, nhưng cũng đủ để truyền đi một chút hy vọng. Tất cả hiệp nhất và liên kết và mỗi người có thể làm phần việc của mình ở nơi của mình. Con đường hạnh phúc là điều mà Thánh Phao-lô đã mô tả ở cuối một trong những bức thư của ông: «Hãy cầu nguyện không ngừng, hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh: đó là điều Thiên Chúa muốn trong Chúa Giê-su Ki-tô. Anh em đừng dập tắt Thần Khí ”(1Ts 5 ,7-19). Đừng dập tắt Thần Khí, chương trình đẹp đẽ của sự sống! Đừng dập tắt Thánh Linh ở trong lòng chúng ta, Đấng hướng dẫn chúng ta đến lòng biết ơn.

Giúp đỡ cho Croatia

Cuối bài giáo lý Đức Thánh Cha đã kêu gọi giúp đỡ cho nước Croatia bị động đất. Đức Thánh Cha nói: “Hôm qua một trận động đất đã gây nên thương vong và những thiệt hại lớn ở Croatia. Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với những người bị thương và những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất và tôi cầu nguyện đặc biệt cho những người đã chết và cho gia đình của họ. Tôi hy vọng rằng các cơ quan chức năng của đất nước, được sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, sẽ sớm xoa dịu được nỗi đau của người dân Croatia thân yêu.”

Hồng Thủy – Vatican News

Huấn đức trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27/12: 3 từ ngữ để gia đình hạnh phúc

 

Huấn đức trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27/12: 3 từ ngữ để gia đình hạnh phúc

Chúa nhật 27 tháng 12 là Chúa Nhật Lễ Thánh Gia. Bài Tin Mừng theo Thánh Luca cho chúng ta biết như sau về việc Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh.

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa. Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và Con Trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi trong kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Vài ngày sau lễ Giáng sinh, phụng vụ mời gọi chúng ta hướng mắt nhìn về Thánh Gia của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Thật tuyệt khi suy ngẫm về sự thật rằng giống như tất cả trẻ em, Con Thiên Chúa muốn có sự ấm áp của một mái gia đình. Chính vì thế, gia đình của Chúa Giêsu, gia đình Nadarét là mẫu gương của các gia đình, trong đó tất cả các gia đình trên thế giới có thể tìm thấy điểm quy chiếu chắc chắn của họ và là một nguồn cảm hứng chân thật. Cuộc sống phàm nhân của Con Thiên Chúa đã nảy mầm tại Nadarét, vào lúc Người được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần trong cung lòng trinh nguyên của Đức Maria. Thời thơ ấu của Chúa Giêsu diễn ra trong niềm vui giữa những bức tường hiếu khách của ngôi nhà Nadarét, được bao quanh bởi lòng từ mẫu của mẹ Maria và sự chăm sóc của thánh Giuse, nơi ngài, Chúa Giêsu có thể nhìn thấy sự dịu dàng của Thiên Chúa (x. 2).

Noi gương Thánh Gia, chúng ta được mời gọi khám phá lại giá trị giáo dục của đơn vị gia đình: gia đình đòi hỏi phải được đặt trên nền tảng của tình yêu luôn tái tạo các mối quan hệ bằng cách mở ra những chân trời hy vọng. Trong gia đình, chúng ta có thể cảm nghiệm được sự hiệp thông chân thành khi gia đình là nhà cầu nguyện, khi tình cảm nghiêm túc, sâu sắc và trong sáng, khi sự tha thứ chiếm ưu thế hơn lời nói, khi sự khắc nghiệt hàng ngày của cuộc sống được xoa dịu bằng sự dịu dàng dành cho nhau, và bằng sự thanh thản tuân theo thánh ý Chúa. Bằng cách đó, gia đình mở ra niềm vui mà Thiên Chúa ban cho tất cả những ai biết trao ban với niềm vui. Đồng thời, trong gia đình, chúng ta tìm thấy năng lượng tinh thần khi mở lòng ra với người khác, phục vụ anh em của mình, cộng tác để xây dựng một thế giới ngày càng mới mẻ và tốt đẹp hơn; do đó, có khả năng trở thành người đưa ra các kích thích tích cực. Gia đình truyền giáo bằng gương sống. Đúng vậy, trong mỗi gia đình đều có những vấn đề, và đôi khi có cả những cuộc cãi vã. “Thưa cha, con đã cãi nhau với người này, người kia trong gia đình…” – chúng ta là con người, chúng ta yếu đuối, và tất cả chúng ta đều có lúc đi đến chuyện chiến đấu với nhau trong gia đình. Tôi muốn nói với anh chị em một điều: nếu chúng ta chiến đấu trong gia đình, đừng kết thúc một ngày mà không làm hòa. “Vâng, tôi đã có một cuộc chiến”, nhưng trước khi một ngày kết thúc, hãy làm hòa. Và bạn có biết tại sao không? Vì chiến tranh lạnh kéo dài đến tận ngày hôm sau rất nguy hiểm. Nó không giúp ích gì. Và rồi, trong gia đình có ba chữ, ba chữ mà chúng ta luôn phải giữ: “xin phép”, “cảm ơn”, và “ xin lỗi”. “Xin phép”, để không xâm phạm cuộc sống của người khác. “Tôi có thể làm điều đó không? Làm như thế có được không?”. Hãy xin phép chứ đừng gây áp lực. “Xin phép” là từ đầu tiên. Từ thứ hai là “cảm ơn” vì rất nhiều sự giúp đỡ, rất nhiều sự phục vụ mà chúng ta thực hiện trong gia đình. Luôn luôn cảm ơn. Lòng biết ơn là máu của một tâm hồn cao thượng. Hãy cảm ơn. Và sau đó, câu khó nói nhất là “Xin lỗi”. Bởi vì chúng ta luôn làm những điều xấu và không ít lần có ai đó cảm thấy bị xúc phạm vì điều chúng ta làm. “Tôi xin lỗi”. Đừng quên ba từ: “xin phép”, “cảm ơn”, và “xin lỗi”. Nếu trong môi trường gia đình có ba chữ này thì gia đình đó ổn.

Ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hướng đến tấm gương truyền giáo trong gia đình, đề xuất cho chúng ta lý tưởng về tình yêu vợ chồng và gia đình, như đã được nhấn mạnh trong Tông huấn Amoris Laetitia, mà ngày 19 tháng Ba tới đây là kỷ niệm 5 năm công bố. Và sẽ có một năm kéo dài từ 19 tháng Ba, 2021 đến 19 tháng Ba, 2022 để suy ngẫm về Amoris Laetitia và đó sẽ là cơ hội để đào sâu nội dung của tài liệu này.

Những suy tư này sẽ được cung cấp cho các cộng đồng và gia đình trong Giáo hội, để đồng hành với họ. Từ giờ trở đi, tôi mời mọi người tham gia các sáng kiến sẽ được cổ vũ trong năm đó và sẽ được điều phối bởi Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống. Chúng ta giao phó cuộc hành trình này với các gia đình từ khắp nơi trên thế giới cho Thánh Gia Nadarét, đặc biệt là cho Thánh Giuse, người chồng và người cha ân cần.

Cầu xin cho Đức Trinh Nữ Maria, đấng mà chúng ta giờ đây hướng về trong kinh Truyền Tin, xin cho các gia đình trên toàn thế giới ngày càng bị cuốn hút bởi lý tưởng Phúc Âm của Thánh Gia, để trở thành men cho một nhân loại mới, và cho một tình liên đới cụ thể và phổ quát

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi chào tất cả anh chị em, các gia đình, các nhóm và cá nhân các tín hữu, những người đang theo dõi buổi đọc kinh Truyền Tin qua các phương tiện giao tiếp xã hội. Suy nghĩ của tôi đặc biệt hướng đến những gia đình đã mất đi một hay nhiều người thân trong những tháng gần đây hoặc bị thử thách do hậu quả của đại dịch. Tôi cũng đang nghĩ đến các bác sĩ, y tá và tất cả các nhân viên y tế, những người dấn thân rất lớn khi đứng trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của vi rút đã gây ra những hậu quả kinh hoàng đối với cuộc sống gia đình.

Và hôm nay tôi giao phó mọi gia đình cho Chúa, đặc biệt là những gia đình bị thử thách nhiều nhất bởi những khó khăn của cuộc sống và bởi những vết thương của sự thiếu cảm thông và chia rẽ. Nguyện xin Chúa Hài Đồng, giáng sinh tại Bết-lê-hem, ban cho mọi người sự thanh thản và sức mạnh để hiệp nhất bước đi theo đường ngay nẻo chính.

Và đừng quên ba từ này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc sống hiệp nhất trong gia đình: “xin phép” – để tôn trọng người khác chứ không xâm phạm – “cảm ơn” – cảm ơn lẫn nhau trong gia đình – và “xin lỗi” khi chúng ta làm một điều xấu. Và hãy ghi nhớ điều này “xin lỗi” – sau khi anh chị em đã chiến đấu – hãy nói trước khi một ngày kết thúc: hãy làm hòa trước khi trời tối.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ và đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và chào tạm biệt!

Đặng Tự Do


Kinh Truyền Tin lễ thánh Stêphanô: trở nên nhân chứng

 Trưa 26/12 – Lễ thánh Stêphanô, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin được phát từ thư viện Dinh Tông Toà, Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu trở nên nhân chứng của Chúa Giêsu trong cuộc sống qua những điều nhỏ bé thường ngày.

Kinh Truyền Tin lễ thánh Stêphanô: trở nên nhân chứng


Văn Yên, SJ – Vatican News

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng hôm qua đã nói về Chúa Giêsu là “ánh sáng thật”, Đấng đã đến trong thế gian, là ánh sáng “chiếu trong bóng tối” và “bóng tối không diệt được ánh sáng” (Ga 1,9.5). Hôm nay chúng ta thấy vị chứng nhân của Chúa Giê-su, thánh Stephanô, sáng chói trong bóng tối. Các chứng nhân được chiếu sáng bằng ánh sáng của Chúa Giê-su, họ không có ánh sáng của riêng họ. Giáo hội cũng không có ánh sáng của riêng mình; vì lý do này mà các giáo phụ đã gọi Giáo hội là: “mầu nhiệm của mặt trăng”. Giống như mặt trăng không có ánh sáng riêng, các chứng nhân không có ánh sáng riêng, họ có khả năng nhận ánh sáng của Chúa Giêsu và phản chiếu nó. Thánh Stêphanô bị kết tội oan sai và bị ném đá tàn nhẫn, nhưng trong bóng tối của hận thù, trong sự đau đớn khi bị ném đá, Ngài đã làm cho ánh sáng của Chúa Giê-su tỏa sáng: Ngài cầu nguyện cho những kẻ giết mình và tha thứ cho họ, như Chúa Giêsu trên Thánh giá. Ngài là vị tử đạo tiên khởi, một chứng nhân, người đầu tiên của nhiều anh chị em tiếp tục mang ánh sáng vào bóng tối: những người đáp lại cái ác bằng điều thiện, người không nhượng bộ bạo lực và dối trá, nhưng phá vỡ vòng xoáy của hận thù bằng sự hiền lành của tình yêu. Những chứng nhân này thắp sáng bình minh của Thiên Chúa trong những đêm đen của thế giới.

Nhưng bạn trở thành những nhân chứng thế nào? Là bắt chước Chúa Giêsu, khi nhận lấy ánh sáng từ Chúa Giêsu. Đây là con đường cho mọi Kitô hữu: noi gương Chúa Giêsu, nhận lấy ánh sáng từ Chúa Giêsu, thánh Stêphanô nêu gương cho chúng ta: Chúa Giêsu đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mc 10,45), và thánh Stêphanô sống để phục vụ: Thánh Stêphanô đã được chọn làm phó tế, ngài trở thành một phó tế, nghĩa là người phục vụ và giúp đỡ người nghèo tại bàn ăn (x. Cv 6,2). Ngài cố gắng noi gương Chúa mỗi ngày và ngài làm điều đó ngay cả đến giây phút cuối: như Chúa Giê-su, ngài bị bắt, bị kết án và bị giết bên ngoài thành phố, và giống như Chúa Giê-su, ngài cầu nguyện và tha thứ. Trong khi bị ném đá, ngài nói: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (7,60). Stêphanô trở thành nhân chứng nhờ bắt chước Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, một câu hỏi có thể nảy sinh: những chứng tá về lòng tốt này có thực sự cần thiết khi sự gian ác tràn lan trên thế giới? Cầu nguyện và tha thứ có ích gì? Chỉ để đưa ra một gương tốt? Mà như thế có ích gì? Không, còn hơn thế. Chúng ta khám phá một trường hợp đặc thù khác. Trong số những người được Stephanô cầu nguyện và tha thứ, còn có, như sách Công Vụ viết, “một thanh niên, tên là Saulô” (c. 58), người đã “tán thành việc giết ông Stêphanô” (8,1). Ít lâu sau, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Saulô được hoán cải, đón nhận ánh sáng của Chúa Giêsu, chấp nhận nó, hoán cải và trở thành Phaolô, nhà truyền giáo vĩ đại nhất trong lịch sử. Phaolô được sinh ra từ ân sủng của Thiên Chúa, nhưng nhờ sự tha thứ của Stêphanô, nhờ chứng tá của Stêphanô. Đây là hạt giống của sự hoán cải của Phaolô. Đây là bằng chứng cho thấy những cử chỉ yêu thương làm thay đổi lịch sử: ngay cả những điều nhỏ nhặt, ẩn giấu và hàng ngày. Bởi vì Chúa hướng dẫn lịch sử qua lòng can đảm khiêm tốn của những ai cầu nguyện, yêu thương và tha thứ. Có nhiều vị thánh ẩn danh, những vị thánh bên cạnh nhà, những chứng nhân ẩn mình trong cuộc sống, với những cử chỉ nhỏ của tình yêu họ làm thay đổi lịch sử.

Việc trở nên nhân chứng của Chúa Giêsu cũng áp dụng cho chúng ta. Chúa muốn chúng ta biến cuộc sống thành một công trình phi thường qua những cử chỉ bình thường, những cử chỉ hàng ngày. Nơi chúng ta sống, trong gia đình, nơi làm việc, ở mọi nơi, chúng ta được mời gọi trở thành nhân chứng của Chúa Giêsu, dù chỉ bằng cách nở một nụ cười, và tránh xa khỏi bóng tối của những lời bàn tán và đàm tiếu. Và sau đó, khi chúng ta thấy điều gì đó không ổn, thay vì chỉ trích, buôn chuyện và phàn nàn, chúng ta cầu nguyện cho những người đã mắc lỗi và cho hoàn cảnh khó khăn đó. Và khi một cuộc cãi vả nảy sinh trong nhà, thay vì cố gắng dành ưu thế, chúng ta cố gắng xoa dịu; và mỗi lần lại bắt đầu, hãy tha thứ cho những người đã xúc phạm chúng ta. Thánh Stephanô, trong khi nhận những viên đá của hận thù, đã đáp lại những lời tha thứ. Như thế ngài đã làm thay đổi lịch sử. Chúng ta cũng có thể thay đổi điều ác thành điều thiện mỗi ngày, như một câu châm ngôn hay rằng: “Hãy làm như cây cọ: người ta ném nó bằng đá và nó trả lại bằng quả chà là”.

Hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho những người bị bách hại vì danh Chúa Giêsu. Thật không may là họ rất nhiều, còn nhiều hơn cả thời đầu của Giáo hội. Chúng ta hãy trao phó những anh chị em này của chúng ta cho Đức Mẹ, Đấng đã đáp lại áp bức bằng sự hiền lành và như những chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu, chiến thắng sự dữ bằng điều thiện.

15/12/20 Thứ Ba Tuần III Mùa Vọng

 

15/12/20 Thứ Ba Tuần III Mùa Vọng


BÀI ĐỌC I: Xp 3, 1-2. 9-13

“Chúa hứa ban ơn cứu độ cho những người nghèo khó”.

Trích sách tiên tri Xôphônia.

Chúa phán: Khốn cho thành phản nghịch và ô uế, cho thành làm sự hung bạo. Nó không nghe lời, không chịu sửa dạy, không tin tưởng vào Thiên Chúa, không đến gần Chúa mình.

Bấy giờ Ta sẽ cho dân Ta môi miệng thanh sạch để mọi người kêu cầu danh Chúa và nhất tâm phụng sự Người. Từ phía bên kia các sông xứ Ethiôpi, con cái những kẻ tha hương kêu cầu Ta, đem lễ vật đến dâng cho Ta.

Ngày đó, ngươi sẽ không còn phải xấu hổ vì các lỗi lầm của ngươi đã phạm đến Ta. Vì Ta sẽ cất xa khỏi ngươi những kẻ chiến thắng kiêu căng và từ đây, ngươi sẽ mãi mãi được vinh quang trên núi thánh Ta. Ta sẽ để lại giữa ngươi một dân tộc nghèo khó và thiếu thốn và họ sẽ tin tưởng vào danh Chúa. Những người Israel còn sót lại sẽ không làm điều gian ác, không nói dối, người ta không thấy chúng nói lời phỉnh gạt. Chúng sẽ như đàn chiên ăn cỏ và nghỉ ngơi, và sẽ không ai làm phiền chúng.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 33, 2-3. 6-7. 17-18. 19 và 23

Đáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe (c. 7a).

Xướng:

1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc; miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Ngài. Trong Chúa, linh hồn tôi hãnh diện. Bạn nghèo hãy nghe và hãy vui mừng. – Đáp.

2) Hãy nhìn về Chúa, để các bạn sẽ vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Ngài đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. – Đáp.

3) Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Ngài cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. – Đáp.

4) Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương tan nát. Thiên Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Ngài, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Ngài, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi. – Đáp.

 

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! – Này đây Chúa đến để cứu dân Người; hạnh phúc thay những ai sẵn sàng đón rước Chúa. – Alleluia.

 

PHÚC ÂM: Mt 21, 28-32

“Gioan đến và những kẻ tội lỗi tin ngài”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn cho cha!’ Nó thưa lại rằng: ‘Con không đi’. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: ‘Thưa cha, vâng, con đi’. Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?” Họ đáp: “Người con thứ nhất”. Chúa Giêsu bảo họ: “Quả thật, Ta bảo các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”.

Đó là lời Chúa.

14/12/20 Thứ Hai Tuần III Mùa Vọng

 

14/12/20 Thứ Hai Tuần III Mùa Vọng


BÀI ĐỌC I: Ds 24, 2-7. 15-17a

“Ngôi sao từ nhà Giacóp mọc lên”.

Trích sách Dân Số.

Trong những ngày ấy, Balaam ngước mắt lên nhìn Israel cắm trại theo từng bộ lạc, và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên ông, ông liền tuyên sấm và nói: “Lời sấm của Balaam, con ông Beor, lời sấm của người đang mở mắt; lời sấm của người nghe lời Thiên Chúa, của người chiêm ngắm Đấng Toàn Năng, của người ngã mà mắt vẫn mở. Hỡi nhà Giacóp, doanh trại của ngươi đẹp biết bao! Hỡi Israel, chỗ cư ngụ của ngươi tốt dường nào! Nó rộng lớn như thung lũng, như những vườn bên dòng sông, như cây trầm hương mà Thiên Chúa đã trồng, như cây hương nam bên suối nước. Nước tràn ra khỏi thùng chứa, và hạt giống của ngươi được tưới dư dật. Vua ngươi sẽ trổi vượt Agag, và vương quốc ngươi sẽ uy hùng”.

Balaam lại tuyên sấm và nói: “Lời sấm của Balaam, con của Beor, lời sấm của người đang mở mắt, lời sấm của người nghe lời Thiên Chúa, của người biết ý nghĩ Đấng Tối Cao, của người xem thấy hình ảnh Đấng Toàn Năng, của người ngã mà mắt vẫn mở. Tôi thấy Người, chưa phải bây giờ. Tôi thấy Người không phải gần. Một ngôi sao từ Giacóp mọc lên. Một phủ việt từ Israel xuất hiện”.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9

Đáp: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa (c. 4b).

Xướng:

1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. – Đáp.

2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. – Đáp.  

3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. – Đáp.  

 

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! – Chúa đến, hãy ra đón Người; chính Người là Hoàng tử Bình an. – Alleluia.

 

PHÚC ÂM: Mt 21, 23-27

“Phép rửa của Gioan bởi đâu mà có?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy Chúa Giêsu vào Đền thờ. Lúc Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ lão trong dân đến hỏi Người rằng: “Ông lấy quyền nào mà làm những điều này? Ai đã ban quyền ấy cho ông?” Chúa Giêsu trả lời: “Tôi cũng hỏi các ông một điều. Nếu các ông trả lời cho tôi, thì tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó. – Phép Rửa của Gioan bởi đâu mà có? Bởi trời hay bởi người ta?” Họ bàn tính với nhau rằng: “Nếu ta nói bởi trời, thì ông sẽ nói với ta: Vậy tại sao các ngươi không tin ông ấy? Và nếu ta nói bởi người ta, thì chúng ta lại sợ dân chúng. Vì mọi người coi Gioan như một vị tiên tri”. Bấy giờ họ trả lời Chúa Giêsu rằng: “Chúng tôi không được biết”. Chúa Giêsu nói với họ: “Tôi cũng không nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó”.

Đó là lời Chúa.



13/12/20 Chúa Nhật Tuần III Mùa Vọng

13/12/20 Chúa Nhật Tuần III Mùa Vọng




BÀI ĐỌC I: Is 61, 1-2a. 10-11

“Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.

Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo. Như đất đâm chồi, như vườn nảy lộc, Chúa cũng làm phát sinh công chính và lời ca tụng trước mặt muôn dân.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Lc 1, 46-48. 49-50. 53-54

Đáp: Linh hồn tôi nhảy mừng trong Chúa (Is 61, 10b).

Xướng:

1) Đức Maria nói: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Người đã nhìn đến phận hèn tớ nữ Người; thực từ đây, thiên hạ muôn đời sẽ khen tôi có phước. – Đáp.

2) Vì Đấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng, và danh Người là thánh. Đức từ bi Người từ đời nọ tới đời kia dành cho những ai kính sợ Người. – Đáp.

3) Kẻ đói khát, Người cho no đầy thiện hảo; bọn giàu sang, Người đuổi về tay không. Chúa đã nhận săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng từ bi của Người. – Đáp.

 

BÀI ĐỌC II: 1 Tx 5, 16-24

“Thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ cho tới ngày Chúa đến”.

Trích thơ thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về tất cả anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Đừng dập tắt Thánh Thần; đừng khinh khi các lời tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt hãy giữ lại. Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức.

Xin chính Thiên Chúa bình an thánh hoá anh em toàn diện, để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ toàn vẹn trong ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến. Đấng đã kêu gọi anh em, chính Người là Đấng Trung Tín. Chính Người sẽ thực hiện.

Đó là lời Chúa.

 

ALLELUIA: Is 61, 1 (x. Lc 4, 18)

Alleluia, alleluia! – Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. – Alleluia.

 

PHÚC ÂM: Ga 1, 6-8. 19-28

“Giữa các ngươi có một Đấng mà các ngươi không biết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do-thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Đấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. – “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”.

Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.

Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Đức Kitô, cũng không phải là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Đấng mà các ngươi không biết. Đấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Đấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sống Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

Đó là lời Chúa.

Bài Tiêu Biểu

- Copyright © Giáo xứ bích trì - Blogger Templates - Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -