Hiển thị các bài đăng có nhãn Bài Giảng. Hiển thị tất cả bài đăng

ĐTC Phanxicô cử hành lễ Tro: Mùa Chay là hành trình trở về với Chúa

Vào lúc 9:30 sáng thứ Tư 17/2/2021, lễ Tro, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại bàn thờ Ngai tòa trong đền thờ thánh Phê-rô. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu sống Mùa Chay như một cuộc hành trình trở về với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và cũng là cơ hội đào sâu tình yêu thương của chúng ta đối với các anh chị em.
ĐTC Phanxicô cử hành lễ Tro: Mùa Chay là hành trình trở về với Chúa
ĐTC Phanxicô cử hành lễ Tro: Mùa Chay là hành trình trở về với Chúa


Hàng năm, theo truyền thống, Đức Thánh Cha cử hành lễ Tro vào chiều thứ Tư lễ Tro tại vương cung thánh đường thánh Sabina của dòng Đaminh, trên đồi Avventino ở Roma. Trước Thánh lễ, Đức Thánh Cha thực hiện cuộc hành hương thống hối, đi bộ từ vương cung thánh đường thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến vương cung thánh đường thánh Sabina. Năm nay do đại dịch, Đức Thánh Cha không thực hiện nghi thức truyền thống này; trái lại, ngài cử hành Thánh lễ tại đền thờ thánh Phê-rô với sự tham dự giới hạn của khoảng hơn 100 tín hữu, như trong các Thánh lễ trong thời gian đại dịch.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có các Hồng y thuộc giáo triều Roma. Trong nghi thức xức tro, sau khi Đức Thánh Cha làm phép tro, Đức Hồng y Angelo Comastri, giám quản đền thờ thánh Phê-rô, đã bỏ tro cho Đức Thánh Cha, và sau đó Đức Thánh Cha đã bỏ tro cho các Hồng y.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu sống Mùa Chay như một cuộc hành trình trở về với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và cũng là cơ hội đào sâu tình yêu thương của chúng ta đối với các anh chị em. Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng như sau:

Mùa Chay là hành trình trở về với Chúa

Chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay. Mùa Chay được bắt đầu với lời của ngôn sứ Giô-en. Những lời này chỉ ra con đường chúng ta sẽ đi. Chúng ta nghe một lời mời gọi vang lên từ trái tim của Thiên Chúa; với vòng tay mở rộng và đôi mắt chờ mong Người tha thiết mời gọi chúng ta: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2,12). Trở về với Ta. Mùa Chay là một hành trình trở về với Thiên Chúa. Đã bao nhiêu lần khi bận bịu việc này việc kia hay dửng dưng, chúng ta đã nói với Chúa: “Lạy Chúa, con sẽ đến với Chúa sau… Con không thể đến hôm nay, nhưng ngày mai con sẽ bắt đầu cầu nguyện và làm điều gì đó cho tha nhân.” Và cứ thế ngày này qua ngày khác. Giờ đây Chúa đưa ra lời kêu gọi trái tim chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn luôn có những điều để làm và lý do để từ chối, nhưng bây giờ là thời gian trở về với Chúa.

Mùa Chay: thời gian phân định xem tâm hồn chúng ta đang hướng về đâu

Chúa nói: Hãy hết lòng trở về với Ta. Mùa Chay là hành trình bao gồm toàn bộ cuộc sống của chúng ta, toàn bộ con người chúng ta. Nó là thời gian để xem xét lại con đường chúng ta đang đi, để tìm con đường đưa chúng ta trở về nhà và tái khám phá tương quan sâu sắc của chúng ta với Thiên Chúa, Đấng mà mọi thứ phụ thuộc vào. Mùa Chay không chỉ là những hy sinh nhỏ bé mà chúng ta thực hiện, nhưng là phân định xem tâm hồn chúng ta đang hướng về đâu. Đây là trọng tâm của Mùa Chay. Chúng ta hãy tự hỏi: Hệ thống định vị của cuộc đời tôi đang đưa tôi đến đâu – về phía Chúa hay về phía chính tôi? Tôi có sống để làm đẹp lòng Chúa hay để được chú ý, khen ngợi và tìm kiếm địa vị? Có phải tôi đang có một trái tim “dao động”, tiến một bước rồi lùi lại một bước? Có phải tôi yêu Chúa một chút và thế gian một chút, hay lòng tôi vững vàng nơi Chúa? Có phải tôi bằng lòng với thói đạo đức giả của mình hay tôi đang cố gắng giải thoát trái tim mình khỏi sự giả hình và giả dối đang trói buộc nó?

Cuộc xuất hành từ tình trạng nô lệ đến tự do

Hành trình Mùa Chay là một cuộc xuất hành từ tình trạng nô lệ đến tự do. 40 ngày này tương ứng với 40 năm dân Chúa rong ruổi qua hoang địa để trở về quê hương xứ sở. Thật là khó biết bao để rời bỏ Ai Cập! Trong cuộc hành trình đó, luôn có một cám dỗ ao ước nuối tiếc những củ hành củ tỏi, quay lại đàng sau, bám víu lấy ký niệm của quá khứ hay thần tượng này ngẫu tượng kia. Điều này cũng xảy ra với chúng ta: hành trình trở về với Chúa của chúng ta cũng bị ngăn chặn bởi những bám víu không tốt, bị níu kéo lại bởi những cạm bẫy cám dỗ của tội lỗi, bởi sự an giả tạo của tiền bạc và sự hào nhoáng, bởi những than thở bất hành làm chúng ta tê liệt. Để bắt đầu hành trình này, chúng ta phải lột bỏ những ảo ảnh này.

Làm thế nào để chúng ta tiến bước trên hành trình trở về với Chúa? Những hành trình trở về được Lời Chúa thuật lại giúp cho chúng ta trong hành trình này.

Trở về với Chúa Cha

Chúng ta có thể nghĩ về đứa con hoang đàng và nhận ra rằng nó cũng là thời gian để chúng ta trở về với Chúa Cha. Giống như người con đó, chúng ta cũng đã quên đi mùi hương quen thuộc của ngôi nhà của mình, chúng ta đã lãng phí một gia sản quý giá vào những thứ tầm thường và cuối cùng chúng ta chỉ còn lại đôi bàn tay trắng và một trái tim bất hạnh. Chúng ta đã ngã xuống, giống như những đứa trẻ liên tục bị ngã; chúng ta giống những đứa bé đang cố gắng bước đi nhưng vẫn tiếp tục ngã và mỗi lần đều cần được người cha nâng dậy. Chính sự tha thứ của Chúa Cha luôn khiến chúng ta đứng dậy trên đôi chân của mình. Sự tha thứ của Thiên Chúa – bí tích Giải tội –  là bước đầu tiên trên hành trình trở về của chúng ta.

Trở về với Chúa Giêsu

Tiếp đến, chúng ta cần trở về với Chúa Giêsu, giống như người phong cùi, khi đã được chữa lành, đã trở lại để tạ ơn Người. Dù mười người đã được chữa lành, nhưng anh là người duy nhất được cứu, vì anh đã trở về với Chúa Giêsu (x. Lc 17, 12-19). Tất cả chúng ta đều có những bệnh tật về tâm linh mà chúng ta không thể tự chữa lành được. Tất cả chúng ta đều có những tội lỗi đâm rễ sâu mà chúng ta không thể tự nhổ bỏ chúng. Tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ hãi khiến chúng ta tê liệt mà chúng ta không thể tự mình vượt qua. Chúng ta cần noi gương người phong cùi đó, người đã trở lại với Chúa Giê-su và quỳ xuống dưới chân Người. Chúng ta cần sự chữa lành của Chúa Giê-su, chúng ta cần bày tỏ với Người những vết thương của mình và nói: “Lạy Chúa Giê-su, con đang ở trước mặt Chúa, với tội lỗi của con, với sự đau buồn của con. Chúa là thầy thuốc. Chúa có thể giải thoát con. Xin chữa lành trái tim con.”

Trở lại với Chúa Thánh Thần

Lời Chúa mời gọi chúng ta trở lại với Chúa Thánh Thần. Tro trên đầu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là cát bụi và chúng ta sẽ trở về với cát bụi. Tuy nhiên, trên hạt bụi chính chúng ta, Thiên Chúa đã thổi Thần khí sự sống của Người. Vì vậy chúng ta sẽ không còn sống cuộc sống chạy theo cát bụi, theo đuổi những thứ nay còn mai mất. Chúng ta hãy trở về với Chúa Thánh Thần, Đấng ban Sự Sống, trở về với Lửa thổi bùng tro tàn của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện một lần nữa với Chúa Thánh Thần và khám phá lại ngọn lửa ca ngợi, ngọn lửa thiêu rụi tro tàn của sự than thở và cam chịu.

Thiên Chúa đến trước với chúng ta

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, hành trình trở về với Thiên Chúa của chúng ta chỉ có thể thực hiện được bởi vì Người đã đến với chúng ta trước. Trước khi chúng ta đến với Chúa, Người đã đến với chúng ta. Người đi trước chúng ta; Người xuống trần gian để gặp chúng ta. Vì chúng ta, Người đã hạ mình xuống thấp hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng: Người trở nên tội nhân, chịu chết. Vì vậy thánh Phao-lô nói với chúng ta, “Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2 Cr 5,21). Để không bỏ rơi chúng ta nhưng để đồng hành cùng chúng ta trong cuộc hành trình, Người đã bước vào tội lỗi và sự chết của chúng ta. Do đó cuộc hành trình của chúng ta là để Người nắm lấy tay chúng ta. Chúa Cha, Đấng mời gọi chúng ta trở về nhà, chính là Đấng đã rời bỏ nhà đi tìm chúng ta; Chúa Giê-su, Đấng chữa lành chúng ta, chính là Đấng chịu thương tích trên thập giá; Chúa Thánh Thần, Đấng giúp chúng ta thay đổi cuộc đời, cũng chính là Đấng thổi hơi nhẹ nhàng nhưng đầy quyền năng trên thân xác bụi đất của chúng ta.

Làm hòa với Thiên Chúa

Do đó, thánh tông đồ kêu gọi: “Hãy làm hòa với Thiên Chúa” (c. 20). Hãy làm hòa: cuộc hành trình này không dựa vào sức lực của chính chúng ta; không ai có thể tự làm hòa với Chúa nhờ sức riêng mình. Sự hoán cải chân thành, với những hành động và thực hành thể hiện điều đó, chỉ có thể thực hiện được nếu nó bắt đầu từ sự ưu việt của hành động của Thiên Chúa. Điều khiến chúng ta trở lại với Chúa không phải là khả năng hay công trạng của chính chúng ta, mà là quà tặng ân sủng. Chúa Giê-su nói rõ điều này trong Tin Mừng: điều khiến chúng ta công chính không phải là sự công bình mà chúng ta thể hiện trước mặt người khác, mà là mối quan hệ chân thành của chúng ta với Chúa Cha. Khởi đầu của việc trở lại với Thiên Chúa là việc chúng ta nhận ra chúng ta cần Người và lòng thương xót của Người. Đây là con đường đúng đắn, con đường của sự khiêm tốn.

Mùa Chay: hạ mình trong nội tâm và hướng đến người khác

Hôm nay chúng ta cúi đầu xức tro. Vào cuối Mùa Chay, chúng ta sẽ cúi thấp hơn nữa để rửa chân cho anh chị em mình. Mùa Chay là một sự hạ mình khiêm tốn cả trong nội tâm và đối với người khác. Đó là nhận ra rằng ơn cứu độ không phải là bước lên đỉnh vinh quang, nhưng là hạ mình xuống vì tình yêu. Đó là trở nên bé nhỏ. Nếu chúng ta lạc lối trên hành trình của mình, hãy đứng trước thánh giá của Chúa Giê-su: ngai vàng thinh lặng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy hàng ngày chiêm niệm những vết thương của Người. Trong những vết thương đó, chúng ta nhận ra sự trống trải, những thiếu sót của mình, những vết thương của tội lỗi của chúng ta và tất cả những tổn thương mà chúng ta đã trải qua. Tuy nhiên, ở đó, chúng ta thấy rõ rằng Thiên Chúa không chỉ ngón tay vào bất cứ ai, mà là mở rộng vòng tay để ôm chúng ta. Những vết thương Người chịu vì chúng ta, và nhờ những vết thương đó mà chúng ta đã được chữa lành (x. 1 Plm 2,25; Is 53,5). Khi  hôn lên những vết thương đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng ở đó, trong những vết thương đau đớn nhất của cuộc đời, Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta với lòng thương xót vô hạn của Người. Bởi vì ở đó, nơi chúng ta dễ bị tổn thương nhất, nơi chúng ta cảm thấy xấu hổ nhất, Người đã đến gặp chúng ta. Và bây giờ Người mời chúng ta trở về với Người để khám phá lại niềm vui được yêu thương.

Hồng Thủy – Vatican News

Kinh Truyền Tin 14/2: Xin cho con thoát ra khỏi sự cô lập chính mình

 

Kinh Truyền Tin 14/2: Xin cho con thoát ra khỏi sự cô lập chính mình

Lúc 12 giờ trưa CN 14/2, từ cửa sổ Dinh Tông Toà, ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, ĐTC có bài huấn dụ ngắn dành cho các tín hữu.

Bài huấn dụ trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng hôm nay (x. Mc 1,40-45) trình bày cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một người bị bệnh phong cùi. Những người phong cùi bị coi là không thanh sạch và theo luật định, họ phải ở bên ngoài trung tâm sinh hoạt cuộc sống. Họ bị loại ra khỏi bất kỳ mối quan hệ con người, xã hội và tôn giáo nào. Trái lại, Chúa Giêsu để cho mình được người đàn ông đó đến gần, Người chạnh lòng thương, thậm chí giơ tay ra và chạm vào anh. Như thế, Người hiện thực hoá Tin Mừng mà Người loan báo: Thiên Chúa trở nên gần với cuộc sống chúng ta, Người thương xót thân phận con người thương tổn của chúng ta và Người đến để phá bỏ mọi ngăn cách cản trở chúng ta sống mối tương quan với Người, với người khác và với chính chúng ta. Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta có thể thấy hai “sự vi phạm” gặp nhau: người phong cùi đến gần Chúa Giê-su và Chúa Giê-su, chạnh lòng thương, đã chạm vào anh để chữa lành anh.

Sự vi phạm đầu tiên là của người phong cùi: bất chấp quy định của Luật lệ, anh thoát ra khỏi sự cô lập và đến với Chúa Giê-su. Bệnh tật của anh bị xem là sự trừng phạt của Thiên Chúa, nhưng trong Chúa Giêsu, Người có thể nhìn thấy một khuôn mặt khác của Thiên Chúa: Không phải Thiên Chúa trừng phạt, nhưng là Người Cha đầy lòng thương xót và yêu thương, Đấng giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi và không bao giờ loại trừ chúng ta ra khỏi lòng thương xót của Người. Nhờ đó, người này có thể thoát ra khỏi sự cô lập, bởi vì nơi Chúa Giêsu, anh tìm thấy Thiên Chúa, Đấng chia sẻ nỗi đau của anh. Thái độ của Chúa Giêsu thu hút anh, đẩy anh ra khỏi chính mình và trao phó lịch sử đau thương của mình cho Người.

Đến đây, Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “cho phép tôi có một suy nghĩ về nhiều cha giải tội tốt lành khi có được thái độ này: thu hút người ta, và nhiều người cảm thấy họ chẳng là gì, cảm thấy mình thấp hèn, do tội lỗi của họ … nhưng với sự dịu dàng, với lòng trắc ẩn… Những linh mục giải tội tốt lành này không cầm roi trong tay, nhưng chỉ đón nhận, lắng nghe và nói rằng Chúa nhân lành và Chúa luôn tha thứ, Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ.” Đức Thánh Cha mời các tín hữu hiện diện ở quảng trường thánh Phêrô vỗ một tràn pháo tay cho các linh mục giải tội tốt lành này.

Kế đến, Đức Thánh Cha tiếp: Sự vi phạm thứ hai là của Chúa Giêsu: trong khi Luật cấm đụng đến người phong cùi, thì Người chạnh lòng thương, đưa tay ra chạm vào anh để chữa lành. Nhiều người có thể nói: Ông ấy phạm tội. Ông đã làm điều luật cấm. Đúng, Người là kẻ vi phạm luật. Không giới hạn trong lời nói, nhưng Người còn chạm tay vào anh. Chạm với tình yêu có nghĩa là thiết lập một mối liên hệ, đi vào sự hiệp thông, tham gia vào cuộc sống của người kia đến nỗi chia sẻ những vết thương của họ. Với cử chỉ này, Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa không thờ ơ, không giữ mình ở một “khoảng cách an toàn”; thực sự, Người gần gũi với lòng trắc ẩn và chạm vào cuộc sống của chúng ta để chữa lành nó bằng sự dịu dàng. Đây là cung cách của Thiên Chúa: gần gũi, chạnh lòng thương và dịu dàng. Đây là sự vi phạm của Thiên Chúa. Người đã vi phạm theo nghĩa này.

Thưa anh chị em, ngay cả ngày nay trên thế giới cũng còn rất nhiều anh chị em của chúng ta đang mắc phải căn bệnh quái ác này…. hoặc do các căn bệnh và tình trạng khác mà rất tiếc lại bị định kiến ​​xã hội. “Người này là một tội nhân”, Hãy nghĩ đến khoảnh khắc khi người phụ nữ bước vào bữa tiệc và đập bình nước hoa để đổ lên chân Chúa Giê-su… Những người khác nói: “Nếu ông là một ngôn sứ thì hẳn ông biết người phụ nữ này là ai: một tội nhân.” Một sự khinh thường. Nhưng ngược lại, Chúa Giê-su đón nhận: “Tội của chị đã được tha”. Đây là sự dịu dàng của Chúa Giêsu. Trong khi định kiến ​​xã hội xua đuổi người ta bằng những lời: “Đây là kẻ ô uế, đây là kẻ tội lỗi, đây là kẻ lừa đảo, đây là…” Vâng, đôi khi điều đó đúng, nhưng đừng có thành kiến. Mỗi người trong chúng ta đều có thể trải qua những vết thương, thất bại, đau khổ, ích kỷ khiến chúng ta đóng lại với Chúa và với tha nhân, bởi vì tội lỗi đóng chúng ta lại trong chính chúng ta, vì xấu hổ, vì sỉ nhục, nhưng Chúa muốn mở trái tim của chúng ta. Trước tất cả những điều này, Chúa Giêsu loan báo cho chúng ta rằng Thiên Chúa không phải là một ý tưởng hay học thuyết trừu tượng, nhưng Thiên Chúa là Đấng “để mình bị nhiễm” với nhân loại thương tích của chúng ta và không ngại tiếp xúc với vết thương của chúng ta.

“Nhưng thưa cha, cha nói gì vậy? Chúa để mình bị nhiễm gì?” Không phải tôi nói, nhưng Thánh Phao-lô đã nói điều đó: Đấng chẳng biết tội là gì, đã tự biến mình thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta. Hãy nhìn xem cách Thiên Chúa bị nhiễm uế để gần với chúng ta, để cảm thương và để thể hiện sự dịu dàng của Người. Sự gần gũi, sự cảm thương và dịu dàng.

Để giữ tiếng tốt và các phong tục xã hội, chúng ta thường im lặng trước nỗi đau hoặc đeo mặt nạ để ngụy trang nó. Để cân đối những tính toán ích kỷ của chúng ta hoặc theo nỗi sợ hãi bên trong, chúng ta không dám tham dự vào nỗi đau của người khác. Thay vào đó, chúng ta hãy xin Chúa ban ơn cho chúng ta sống hai “vi phạm” này, hai sự “vi phạm” này của Tin Mừng hôm nay. Sự vi phạm của người phong cùi, để chúng ta có can đảm thoát ra khỏi sự cô lập chính mình, thay vì ở lại trong nỗi dày vò bản thân, than khóc những thất bại của chúng ta; thay vì phàn nàn, chúng ta đến với Chúa Giêsu để nói với Người: “Lạy Chúa, con như thế này.” Chúng ta sẽ cảm thấy được ôm lấy, cái ôm tuyệt vời của Chúa Giêsu. Và kế đến là sự vi phạm của Chúa Giê-su: một tình yêu khiến chúng ta vượt ra ngoài những quy ước, vượt qua những định kiến​​và nỗi sợ phải tham dự vào cuộc sống của người khác. Chúng ta học cách trở thành những người vi phạm như hai người này: giống như người phong cùi và giống như Chúa Giê-su.

Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình này, người mà chúng ta đang cầu khẩn trong lời cầu nguyện của Kinh Truyền Tin.

Văn Yên, SJ – Vatican News


ĐTC Phanxicô: Mẹ Maria là con đường mà chúng ta phải đi để đến với Chúa

ĐTC Phanxicô: Mẹ Maria là con đường mà chúng ta phải đi để đến với Chúa


 Trong bài giảng lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, được Đức Hồng Y Pietro Parolin đọc, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu chúc các tín hữu có thể đón nhận Đức Mẹ, qua đó được gặp gỡ Thiên Chúa, và ngài mời gọi chăm sóc người khác như là niềm hy vọng về một sự tái sinh cho toàn thể nhân loại.

Vào lúc 10 giờ sáng ngày đầu năm dương lịch 2021, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã cử hành Thánh lễ trọng thể kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, thay thế cho Đức Thánh Cha Phanxicô đang bị đau thần kinh tọa.

Trong bài giảng được Đức Hồng y Parolin đọc, Đức Thánh Cha tập trung vào ba từ nổi bật trong các bài đọc Thánh lễ: chúc lành, sinh ra và tìm thấy, những động từ mà theo Đức Thánh Cha, được thực hiện trọn vẹn nơi Mẹ của Thiên Chúa.

Chúc lành

Động từ thứ nhất: Chúc lành. Bắt đầu với bài đọc thứ nhất trích từ sách Dân số, trong đó Thiên Chúa ra lệnh cho ông Mô-sê chúc lành cho dân Người, Đức Thánh Cha nói: “Đây không phải là lời kêu gọi đạo đức; nó là một yêu cầu cụ thể.” Và ngài lưu ý: “Ngày nay, cả các linh mục không ngừng chúc lành cho Dân Chúa và chính các tín hữu là những người mang lời chúc lành; họ chúc phúc.”

Chúa Giê-su là chính phúc lành của Chúa Cha ban cho chúng ta

Đức Thánh Cha giải thích: “Chúa biết chúng ta cần được chúc lành biết bao. Điều đầu tiên Thiên Chúa làm sau khi tạo thành thế giới đó là nói rằng mọi sự đều tốt (nói điều tốt) và nói về chúng ta rằng chúng ta rất tốt. Tuy nhiên, giờ đây, với Con Thiên Chúa, chúng ta không chỉ nhận được những lời chúc phúc, mà còn nhận được chính phúc lành: chính Chúa Giê-su là phúc lành của Chúa Cha. Thánh Phaolô nói với chúng ta, trong Chúa Giê-su, Chúa Cha cho chúng ta được hưởng ‘muôn vàn phúc lành’ (Ep 1,3). Mỗi khi chúng ta mở lòng đón nhận Chúa Giê-su, thì phúc lành của Thiên Chúa sẽ đi vào cuộc sống của chúng ta.”

Nơi nào có Mẹ Maria, có Chúa Giê-su, có phúc lành

Trong khi Chúa Giê-su, bởi bản tính Thiên Chúa, là phúc lành, thì Mẹ Maria là đấng được “chúc lành” bởi ân sủng. Đức Thánh Cha nói: “Bằng cách này, Mẹ Maria mang đến cho chúng ta phúc lành của Thiên Chúa. Bất cứ nơi nào có Mẹ, có Chúa Giêsu. Vì vậy, chúng ta cần chào đón Mẹ như thánh Elizabeth, người đã ngay lập tức nhận ra phúc lành và đã kêu lên: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc!” (Lc 1, 42).

Chúng ta được kêu gọi chúc lành

Chúng ta lặp lại những lời đó mỗi khi đọc kinh Kính Mừng. Đức Thánh Cha nhận xét: “Khi chào đón Mẹ Maria, chúng ta nhận được phúc lành, nhưng chúng ta cũng học cách chúc lành. Đức Mẹ dạy chúng ta rằng các phúc lành được nhận để được trao tặng. Mẹ, người đã được chúc phúc, đã trở thành một phúc lành cho tất cả những người Mẹ gặp gỡ: cho bà Elizabeth, cho cặp vợ chồng mới cưới ở Cana, cho các Tông đồ trong Phòng Tiệc Ly… Chúng ta cũng được kêu gọi để chúc lành, ‘nói tốt’ nhân danh Chúa.

Trở thành người mang ơn lành của Chúa

Và Đức Thánh Cha nhận định: “Thế giới của chúng ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi cách chúng ta “nói” và nghĩ “xấu” về người khác, về xã hội, về chính chúng ta. Nói xấu hủy hoại và làm suy thoái, trong khi chúc lành phục hồi cuộc sống và mang lại sức mạnh cần thiết để bắt đầu lại.” Ngài mời gọi cầu xin Mẹ Thiên Chúa ban ơn để chúng ta là những người vui vẻ mang ơn lành của Thiên Chúa cho người khác, như Mẹ làm đối với chúng ta.

Sinh ra

Động từ thứ hai là sinh ra. Trong bài đọc thứ hai thánh Phao-lô nói với chúng ta rằng Con Thiên Chúa được “sinh ra bởi một người nữ” (Gl 4, 4). Đức Thánh Cha nói: “Chỉ trong vài lời này, thánh nhân nói với chúng ta một điều kỳ diệu: Chúa đã sinh ra giống như chúng ta”. Người không tự đến thế giới này nhưng từ một người phụ nữ, sau chín tháng trong lòng Mẹ của Người. “Trái tim của Chúa bắt đầu đập trong lòng Mẹ Maria; Thiên Chúa của sự sống đã hít lấy oxy từ Mẹ. Kể từ đó, Mẹ Maria đã kết hợp chúng ta với Thiên Chúa vì trong Mẹ, Thiên Chúa đã ràng buộc mình vào xác thịt của chúng ta, và Người không bao giờ rời bỏ nó.”

Mẹ Maria – con đường đến với Chúa

Vì thế, theo Đức Thánh Cha, “Mẹ Maria không chỉ là nhịp cầu nối chúng ta với Chúa; còn hơn thế. Mẹ là con đường mà Chúa đã đi qua để đến với chúng ta, và là con đường mà chúng ta phải đi để đến được với Chúa. Qua Mẹ Maria, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa theo cách Người muốn chúng ta thực hiện: trong tình yêu dịu dàng, trong tình thân mật, trong thân xác.”

Chăm sóc: vắc xin cho trái tim

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Chúng ta ở trên thế giới này không phải để chết, nhưng để mang lại sự sống. Mẹ rất thánh của Thiên Chúa dạy chúng ta rằng bước đầu tiên trong việc trao tặng sự sống cho những người xung quanh là trân trọng nó trong chính bản thân mình. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rằng Đức Maria ‘ghi nhớ tất cả những điều này trong lòng’ (x. Lc 2,19).” Đức Thánh Cha giải thích: “ Lòng tốt đến từ trái tim. Giữ cho tâm hồn mình trong sạch, trau dồi đời sống nội tâm và lời cầu nguyện của chúng ta thì quan trọng biết bao! Giáo dục trái tim của chúng ta biết quan tâm, trân trọng những người và mọi vật xung quanh chúng ta thì quan trọng biết bao. Mọi thứ bắt đầu từ điều này: từ việc trân trọng tha nhân, thế giới và thụ tạo. Biết nhiều người và nhiều thứ thì có ích gì nếu chúng ta không trân trọng họ?”

Năm nay, Đức Thánh Cha nói, “trong khi chúng ta hy vọng vào những khởi đầu mới và cách chữa trị mới, chúng ta đừng lơ là việc chăm sóc. Cùng với vắc xin cho cơ thể, chúng ta cần vắc xin cho trái tim. Vắc xin đó là chăm sóc. Đây sẽ là một năm tốt lành nếu chúng ta chăm sóc tha nhân, như Đức Mẹ đã làm với chúng ta.”

Tìm thấy

Động từ thứ ba Đức Thánh Cha suy tư là tìm thấy. Tin Mừng cho chúng ta biết rằng những mục đồng đã tìm thấy Đức Maria và Thánh Giuse và hài nhi (c. 16) không “ở những dấu hiệu kỳ diệu và ngoạn mục, nhưng là trong một gia đình đơn giản.” Đức Thánh Cha nói: “Ở đó họ thực sự tìm thấy Chúa, Đấng cao cả trong sự bé nhỏ, sức mạnh trong sự dịu dàng” nhờ được một thiên thần kêu gọi. Và Đức Thánh Cha nhận định: “Chúng ta cũng sẽ không tìm thấy Chúa nếu chúng ta không được ân sủng kêu gọi. Chúng ta không bao giờ có thể tưởng tượng được một vị Chúa như vậy, Đấng sinh ra bởi một người phụ nữ và đã cách mạng hóa lịch sử bằng tình yêu dịu dàng, nhưng bằng ân sủng, chúng ta đã tìm thấy Người. Và chúng ta phát hiện ra rằng sự tha thứ của Người làm tái sinh, sự an ủi của Người thắp lên hy vọng, sự hiện diện của Người mang lại niềm vui không gì có thể ngăn cản được.”

Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Chúng ta đã tìm thấy Người nhưng chúng ta không được để mất dấu của Người. Thật vậy, Chúa không bao giờ được tìm thấy một lần và mãi mãi: mỗi ngày Người phải được tìm thấy lại. Do đó, Tin Mừng mô tả các mục đồng luôn tìm kiếm, liên tục di chuyển: ‘Họ vội vã đi, họ tìm thấy, họ biết, họ trở về, tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa’ (cc. 16-17.20). Họ không thụ động, bởi vì để nhận được ân sủng, chúng ta phải chủ động.”

Dành thời gian cho Chúa và cho tha nhân

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta được gọi tìm thấy điều gì vào đầu năm nay? Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “Sẽ rất tốt nếu chúng ta tìm thời gian dành cho ai đó. Thời gian là kho báu mà tất cả chúng ta đều sở hữu, nhưng chúng ta lại sở hữu nó cách ghen tuông, vì chúng ta chỉ muốn sử dụng nó cho riêng mình.”  Ngài mời gọi: “Chúng ta hãy cầu xin ơn để tìm được thời gian dành cho Chúa và cho người lân cận – cho những người cô đơn hoặc đau khổ, cho những người cần ai đó lắng nghe và quan tâm đến họ. Nếu chúng ta có thể tìm thấy thời gian để cho đi, chúng ta sẽ ngạc nhiên và tràn đầy niềm vui, giống như các mục đồng.”

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với lời cầu nguyện xin Đức Mẹ, Đấng đã mang Chúa vào thế giới thời gian giúp chúng ta quảng đại với thời gian của mình. Ngài nói: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con dâng hiến cho Mẹ Năm Mới này. Lạy Mẹ, Mẹ biết cách gìn giữ những điều trong lòng, xin quan tâm đến chúng con. Xin chúc lành cho thời gian của chúng con và dạy chúng con tìm thời gian cho Chúa và cho người khác. Với niềm vui và sự tin tưởng, chúng con ca ngợi Mẹ: Thánh Mẫu của Thiên Chúa! Thánh Mẫu của Thiên Chúa! Thánh Mẫu của Thiên Chúa!

Hồng Thủy – Vatican News

ĐTC Phanxicô: Lời trở nên xác thịt để chạm đến sự yếu đuối của chúng ta

ĐTC Phanxicô: Lời trở nên xác thịt để chạm đến sự yếu đuối của chúng ta

ĐTC Phanxicô: Lời trở nên xác thịt để chạm đến sự yếu đuối của chúng ta



 Trưa 3/1, Chúa Nhật II sau lễ Giáng Sinh, ĐTC Phanxicô đã có một bài huấn dụ ngắn, sau đó đọc Kinh Truyền Tin, được phát đi từ thư viện Dinh Tông Toà. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa trở nên xác thịt để chạm đến sự yếu đuối của chúng ta. Ngài không khinh thường bất cứ điều gì, nhưng chia sẻ mọi sự với chúng ta.

Bài huấn dụ trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúa Nhật II sau lễ Giáng Sinh, Lời Chúa không cho chúng ta một giai đoạn trong cuộc đời của Chúa Giê-su, nhưng nói với chúng ta về Ngài trước khi Ngài sinh ra. Lời Chúa đưa chúng ta lùi trở lại, để vén mở điều gì đó về Chúa Giêsu trước khi Ngài đến giữa chúng ta.

Điều này trên hết nằm ở phần mở đầu của Tin Mừng Gioan: “Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời” (Ga 1,1). “Từ nguyên thuỷ”: đây là những lời đầu tiên của Kinh Thánh, cũng giống như bắt đầu những lời tường thuật về sự sáng tạo: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1). Bài Tin Mừng hôm nay nói rằng Đấng mà chúng ta đã chiêm ngưỡng trong lễ Giáng Sinh, như một trẻ thơ, Chúa Giêsu, đã hiện hữu trước: trước khi khởi đầu vạn vật, trước cả vũ trụ, trước tất cả. Ngài có trước không gian và thời gian. “Ở nơi Người là sự sống” (Ga 1,4) trước khi sự sống xuất hiện.

Thánh Gioan gọi là Lời, là Lời Nói. Điều này muốn nói gì với chúng ta? Lời nói được dùng để giao tiếp: người ta không nói một mình, nhưng nói với ai đó. Giờ đây, việc Chúa Giêsu từ khởi đầu là Lời nghĩa là ngay từ đầu Thiên Chúa muốn giao tiếp với chúng ta, Ngài muốn nói với chúng ta. Con Một của Chúa Cha (xem câu 14) muốn nói với chúng ta về vẻ đẹp của việc làm con Thiên Chúa; Ngài là “ánh sáng thật” (câu 9) và muốn đưa chúng ta ra khỏi bóng tối của sự dữ; Ngài là “sự sống” (câu 4), Ngài biết sự sống của chúng ta và muốn nói với chúng ta rằng Ngài luôn yêu sự sống. Ngài yêu tất cả chúng ta. Đây là thông điệp tuyệt vời hôm nay: Chúa Giêsu là Lời, Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng luôn nghĩ đến chúng ta và muốn giao tiếp với chúng ta.

Để làm như vậy, Ngài đã đi xa hơn lời nói. Thật vậy, nơi trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được biết rằng Ngôi Lời “đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (c. 14). Ngài đã trở thành “xác thịt”: tại sao Thánh Gioan lại sử dụng cách diễn đạt này, “xác thịt”? Thánh Gioan không thể nói một cách thanh nhã hơn rằng Ngài đã trở thành một người nam sao? Không. Thánh Gioan dùng từ xác thịt vì nó biểu thị tình trạng con người chúng ta với tất cả sự yếu đuối của nó, với tất cả sự mong manh của nó. Điều đó nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã tự trở nên yếu đuối để chạm vào sự yếu đuối của chúng ta. Vì vậy, kể từ khi Chúa trở nên xác phàm, không có gì trong cuộc sống của chúng ta lại xa lạ đối với Ngài. Không có gì Ngài khinh thường, chúng ta có thể chia sẻ mọi điều với Ngài. Thưa anh chị em, Thiên Chúa đã trở nên xác thịt để nói với bạn rằng Ngài yêu bạn chính ở đấy, trong sự mong manh của chúng ta, mong manh của bạn; Ngài yêu bạn chính ở đấy, nơi chúng ta xấu hổ nhất, nơi bạn xấu hổ nhất. Ngài đi vào nỗi xấu hổ của chúng ta để trở nên người anh em của chúng ta, để chia sẻ cuộc sống chúng ta.

Ngài đã trở thành xác thịt và không tháo lui. Ngài không mang nhân tính của chúng ta như một tấm áo mặc vào rồi cởi ra. Không, Ngài chưa bao giờ tách mình ra khỏi xác thịt của chúng ta. Và Ngài sẽ không bao giờ tách mình khỏi nó: bây giờ và mãi mãi Ngài ở trên trời với thân thể xác phàm của Ngài. Ngài mãi mãi gắn bó với nhân loại chúng ta, chúng ta có thể nói rằng Ngài đã “kết hôn” với nó. Thật vậy, Tin Mừng nói rằng Ngài đến ở giữa chúng ta. Ngài không đến thăm chúng ta, nhưng Ngài đến cư ngụ với chúng ta, để ở với chúng ta. Ngài muốn gì ở chúng ta? Ngài muốn sự thân mật lớn lao. Ngài muốn chúng ta chia sẻ với Ngài niềm vui và đau khổ, mong ước và sợ hãi, hy vọng và nỗi buồn, con người và hoàn cảnh. Chúng ta hãy làm điều đó, chúng ta hãy mở rộng trái tim của chúng ta với Ngài, hãy nói với Ngài mọi sự. Chúng ta hãy dừng lại trong thinh lặng trước khung cảnh Chúa Giáng Sinh để nếm cảm sự dịu dàng của Thiên Chúa đã tự làm cho mình trở nên gần gũi, tự làm cho mình trở nên xác thịt. Và đừng sợ, chúng ta hãy mời Ngài đến với chúng ta, đến nhà chúng ta, đến với gia đình của chúng ta, với những yếu đuối của chúng ta. Hãy mời Ngài đến xem những thương tích của chúng ta. Ngài sẽ đến và cuộc sống sẽ thay đổi.

Xin Thánh Mẫu của Thiên Chúa, nơi Ngôi Lời trở thành xác thịt, giúp chúng ta chào đón Chúa Giêsu, Đấng gõ cửa trái tim để sống với chúng ta.

Văn Yên, SJ – Vatican News

ĐTC Phanxicô: Lòng biết ơn làm cho thế giới tốt hơn

 

ĐTC Phanxicô: Lòng biết ơn làm cho thế giới tốt hơn

Buổi tiếp kiến chung cuối cùng của Đức Thánh Cha trong năm 2020 vào sáng 30/12 vẫn được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Thư viện Dinh Tông tòa. Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha tiếp tục trình bày về đề tài cầu nguyện, với chủ đề lời cầu nguyện tạ ơn.

Dựa trên đoạn Tin Mừng theo thánh Luca thuật lại câu chuyện người phong cùi duy nhất trong số 10 người được lành bệnh quay trở lại tạ ơn Chúa Giê-su, Đức Thánh Cha nhắc đến tầm quan trọng của lòng biết ơn. Nó cho thấy sự khác biệt lớn giữa những tấm lòng biết ơn và những tấm lòng không biết ơn; giữa những người coi mọi thứ là công sức của họ và những người đón nhận mọi thứ như ân sủng.

Lời tạ ơn của Ki-tô hữu xuất phát từ lòng biết ơn tình yêu của Thiên Chúa được mặc khải qua sự Nhập thể của Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa và Đấng Cứu độ của chúng ta. Các trình thuật Tin Mừng về việc giáng sinh của Chúa Ki-tô cho chúng ta thấy cách đón nhận Đấng Cứu Thế đến của các tâm hồn tin tưởng và cầu nguyện cho lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện.

Đức Thánh Cha cầu chúc rằng việc cử hành lễ Giáng sinh của chúng ta được ghi dấu bằng lời cầu nguyện tạ ơn vì ân sủng cứu độ của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên thế giới của chúng ta. Và xin cho những lời tạ ơn này giúp chúng ta có thể mang niềm vui và hy vọng của Tin Mừng cho những người xung quang chúng ta, đặc biệt là những anh chị em nghèo khổ nhất.

Chúa Giê-su không xa tránh những người phong cùi

Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng ngoài nỗi đau thể xác, những người bệnh phong cùi còn bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nhưng Chúa Giê-su không ngại gặp họ. Đôi khi Người vượt quá giới hạn do lề luật đặt ra; Người chạm vào người bệnh – điều không được làm -, ôm lấy họ và chữa lành họ.

Mười người phong cùi

Trong câu chuyện được thuật lại trong Tin Mừng Thánh Luca, Chúa Giê-su không tiếp xúc trực tiếp với họ. Sau lời cầu xin của những người phong cùi: “Lạy Thầy Giê-su, xin thương xót chúng tôi!” (17,13), Chúa Giê-su ngay lập tức bảo họ đi trình diện với các tư tế (c.14), những người, theo lề luật, có trách nhiệm chứng nhận các bệnh nhân được chữa lành.

Đức Thánh Cha nhận xét: Chúa Giêsu không nói gì khác. Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của họ, Chúa đã nghe thấy tiếng kêu xin thương xót của họ, và lập tức bảo họ đến các thầy tư tế.

Mười người phong cùi đó tin tưởng, họ không ở đó đợi cho đến khi được chữa lành; họ tin tưởng và đi ngay lập tức, và khi đang đi thì họ được chữa lành, cả mười người đều lành. Do đó, các tư tế có thể đã nhìn thấy sự hồi phục của họ và cho họ trở lại cuộc sống bình thường.

Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Nhưng ở đây có điểm quan trọng nhất: trong nhóm đó, chỉ có một người, trước khi đi gặp các thầy tư tế, đã quay lại tạ ơn Chúa Giê-su và ngợi khen Thiên Chúa vì ân sủng đã nhận được. Chỉ một người, chín người còn lại tiếp tục hành trình. Và Chúa Giê-su lưu ý rằng người đàn ông đó là người Samaria, một loại “lạc giáo” đối với người Do Thái thời đó. Chúa Giê-su nhận xét: “Sao chẳng có ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, ngoại trừ người ngoại bang này?” (17,18).

Ân sủng đi trước lời tạ ơn

Và Đức Thánh Cha nhận định: Câu chuyện này phân chia thế giới làm hai: một bên là những người không cảm ơn và bên kia là những người tạ ơn; một bên đón nhận mọi thứ như họ phải được nhận, và một bên đón nhận mọi thứ như một món quà, như một ân sủng. Sách Giáo lý viết: “Mọi biến cố và mọi nhu cầu đều có thể trở thành dịp để dâng lời tạ ơn” (số 2638). Do đó, Đức Thánh Cha nói: Lời cầu nguyện tạ ơn luôn luôn bắt đầu từ đây: nhận ra mình nhận được ân sủng trước. Chúng ta đã được nghĩ đến trước khi chúng ta học cách nghĩ về người khác; chúng ta đã được yêu thương trước khi chúng ta học cách thương yêu; chúng ta đã được mong muốn trước khi một mong muốn nảy sinh trong tâm hồn chúng ta. Nếu chúng ta nhìn cuộc sống như thế này thì lời “cảm ơn” trở thành động lực ngày sống của chúng ta.

Món quà sự sống

Ki-tô hữu gọi bí tích quan trọng nhất, (bí tích Thánh Thể), là “Eucaristia”; trong tiếng Hy Lạp, từ này có nghĩa là tạ ơn. Đức Thánh Cha giải thích: Các Ki-tô hữu cũng như tất cả những người có đức tin, chúc tụng Chúa về món quà là sự sống. Sống, trên hết, có nghĩa là lãnh nhận: nhận được sự sống! Tất cả chúng ta được sinh ra bởi vì có ai đó mong muốn sự sống cho chúng ta. Và đây chỉ là khoản nợ đầu tiên trong một chuỗi dài những món nợ mà chúng ta mắc nợ trong cuộc sống. Nợ ơn nghĩa. Trong cuộc sống của chúng ta, có hơn một người đã nhìn chúng ta bằng đôi mắt trong sáng, hoàn toàn nhưng không. Thông thường họ là những nhà giáo dục, các giáo lý viên, những người đã thực hiện vai trò của mình vượt quá mức độ yêu cầu của bổn phận. Và họ đã khơi dậy lòng biết ơn trong chúng ta. Tình bạn cũng là một món quà để luôn biết ơn.

Tình yêu làm nảy sinh lòng biết ơn

Tiếp tục bài giáo lý Đức Thánh Cha nhận xét: Lời “cám ơn” này, lời mà chúng ta phải liên tục nói, lời mà Ki-tô hữu chia sẻ với mọi người, phát triển trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su. Các Tin Mừng chứng thực rằng khi Chúa Giê-su đi ngang qua, Người thường gợi lên trong lòng những người được gặp Người niềm vui và lời ngợi khen Thiên Chúa. Các tường thuật trong Tin Mừng kể về những người cầu nguyện, những người được sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế tác động. Và chúng ta cũng được kêu gọi tham gia vào niềm hân hoan bao la này.

Và câu chuyện về mười người phong cùi được chữa lành cũng gợi ý điều này. Đức Thánh Cha giải thích: Đương nhiên, mọi người đều vui mừng vì được hồi phục sức khỏe, có thể thoát ra khỏi sự cách ly bắt buộc liên tục khiến họ bị loại khỏi cộng đồng. Nhưng trong số họ có một người cảm nhận thêm một niềm vui: ngoài việc được chữa lành bệnh, anh ta còn vui mừng vì được gặp gỡ Chúa Giêsu, không những được giải thoát khỏi sự dữ, mà giờ đây anh ta còn chắc chắn được yêu thương. Đây là điều cốt lõi: khi bạn cảm ơn, bạn thể hiện sự chắc rằng bạn được yêu thương. Đó là khám phá ra tình yêu như sức mạnh điều khiển thế giới, như thi sĩ Dante đã nói: Tình yêu “làm di chuyển mặt trời và các vì sao khác” (Paradiso, XXXIII, 145 ). Chúng ta không còn là những lữ khách lang thang đây đó không mục đích: chúng ta có một ngôi nhà, chúng ta ở trong Chúa Ki-tô, và từ “nơi cư trú” này, chúng ta chiêm ngắm phần còn lại của thế giới, và nó dường như vô cùng đẹp hơn đối với chúng ta.

Niềm vui gặp gỡ Chúa

Do đó, Đức Thánh Cha mời gọi: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy luôn cố gắng sống trong niềm vui được gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chúng ta hãy gieo trồng niềm vui. Ngược lại, ma quỷ, sau khi đã lừa dối chúng ta, luôn khiến chúng ta buồn bã và cô đơn. Nếu chúng ta ở trong Chúa Ki-tô, không có tội lỗi và sự đe dọa nào có thể ngăn cản chúng ta tiếp tục bước đi với niềm vui, cùng với rất nhiều bạn đồng hành.

Lòng biết ơn giúp thế giới tốt đẹp hơn

Đức Thánh Cha nhắc nhở: Đặc biệt, chúng ta đừng quên cảm ơn: nếu chúng ta là người mang lòng biết ơn thì thế giới cũng trở nên tốt đẹp hơn, dù chỉ một chút thôi, nhưng cũng đủ để truyền đi một chút hy vọng. Tất cả hiệp nhất và liên kết và mỗi người có thể làm phần việc của mình ở nơi của mình. Con đường hạnh phúc là điều mà Thánh Phao-lô đã mô tả ở cuối một trong những bức thư của ông: «Hãy cầu nguyện không ngừng, hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh: đó là điều Thiên Chúa muốn trong Chúa Giê-su Ki-tô. Anh em đừng dập tắt Thần Khí ”(1Ts 5 ,7-19). Đừng dập tắt Thần Khí, chương trình đẹp đẽ của sự sống! Đừng dập tắt Thánh Linh ở trong lòng chúng ta, Đấng hướng dẫn chúng ta đến lòng biết ơn.

Giúp đỡ cho Croatia

Cuối bài giáo lý Đức Thánh Cha đã kêu gọi giúp đỡ cho nước Croatia bị động đất. Đức Thánh Cha nói: “Hôm qua một trận động đất đã gây nên thương vong và những thiệt hại lớn ở Croatia. Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với những người bị thương và những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất và tôi cầu nguyện đặc biệt cho những người đã chết và cho gia đình của họ. Tôi hy vọng rằng các cơ quan chức năng của đất nước, được sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, sẽ sớm xoa dịu được nỗi đau của người dân Croatia thân yêu.”

Hồng Thủy – Vatican News

Huấn đức trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27/12: 3 từ ngữ để gia đình hạnh phúc

 

Huấn đức trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27/12: 3 từ ngữ để gia đình hạnh phúc

Chúa nhật 27 tháng 12 là Chúa Nhật Lễ Thánh Gia. Bài Tin Mừng theo Thánh Luca cho chúng ta biết như sau về việc Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh.

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa. Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và Con Trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi trong kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Vài ngày sau lễ Giáng sinh, phụng vụ mời gọi chúng ta hướng mắt nhìn về Thánh Gia của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Thật tuyệt khi suy ngẫm về sự thật rằng giống như tất cả trẻ em, Con Thiên Chúa muốn có sự ấm áp của một mái gia đình. Chính vì thế, gia đình của Chúa Giêsu, gia đình Nadarét là mẫu gương của các gia đình, trong đó tất cả các gia đình trên thế giới có thể tìm thấy điểm quy chiếu chắc chắn của họ và là một nguồn cảm hứng chân thật. Cuộc sống phàm nhân của Con Thiên Chúa đã nảy mầm tại Nadarét, vào lúc Người được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần trong cung lòng trinh nguyên của Đức Maria. Thời thơ ấu của Chúa Giêsu diễn ra trong niềm vui giữa những bức tường hiếu khách của ngôi nhà Nadarét, được bao quanh bởi lòng từ mẫu của mẹ Maria và sự chăm sóc của thánh Giuse, nơi ngài, Chúa Giêsu có thể nhìn thấy sự dịu dàng của Thiên Chúa (x. 2).

Noi gương Thánh Gia, chúng ta được mời gọi khám phá lại giá trị giáo dục của đơn vị gia đình: gia đình đòi hỏi phải được đặt trên nền tảng của tình yêu luôn tái tạo các mối quan hệ bằng cách mở ra những chân trời hy vọng. Trong gia đình, chúng ta có thể cảm nghiệm được sự hiệp thông chân thành khi gia đình là nhà cầu nguyện, khi tình cảm nghiêm túc, sâu sắc và trong sáng, khi sự tha thứ chiếm ưu thế hơn lời nói, khi sự khắc nghiệt hàng ngày của cuộc sống được xoa dịu bằng sự dịu dàng dành cho nhau, và bằng sự thanh thản tuân theo thánh ý Chúa. Bằng cách đó, gia đình mở ra niềm vui mà Thiên Chúa ban cho tất cả những ai biết trao ban với niềm vui. Đồng thời, trong gia đình, chúng ta tìm thấy năng lượng tinh thần khi mở lòng ra với người khác, phục vụ anh em của mình, cộng tác để xây dựng một thế giới ngày càng mới mẻ và tốt đẹp hơn; do đó, có khả năng trở thành người đưa ra các kích thích tích cực. Gia đình truyền giáo bằng gương sống. Đúng vậy, trong mỗi gia đình đều có những vấn đề, và đôi khi có cả những cuộc cãi vã. “Thưa cha, con đã cãi nhau với người này, người kia trong gia đình…” – chúng ta là con người, chúng ta yếu đuối, và tất cả chúng ta đều có lúc đi đến chuyện chiến đấu với nhau trong gia đình. Tôi muốn nói với anh chị em một điều: nếu chúng ta chiến đấu trong gia đình, đừng kết thúc một ngày mà không làm hòa. “Vâng, tôi đã có một cuộc chiến”, nhưng trước khi một ngày kết thúc, hãy làm hòa. Và bạn có biết tại sao không? Vì chiến tranh lạnh kéo dài đến tận ngày hôm sau rất nguy hiểm. Nó không giúp ích gì. Và rồi, trong gia đình có ba chữ, ba chữ mà chúng ta luôn phải giữ: “xin phép”, “cảm ơn”, và “ xin lỗi”. “Xin phép”, để không xâm phạm cuộc sống của người khác. “Tôi có thể làm điều đó không? Làm như thế có được không?”. Hãy xin phép chứ đừng gây áp lực. “Xin phép” là từ đầu tiên. Từ thứ hai là “cảm ơn” vì rất nhiều sự giúp đỡ, rất nhiều sự phục vụ mà chúng ta thực hiện trong gia đình. Luôn luôn cảm ơn. Lòng biết ơn là máu của một tâm hồn cao thượng. Hãy cảm ơn. Và sau đó, câu khó nói nhất là “Xin lỗi”. Bởi vì chúng ta luôn làm những điều xấu và không ít lần có ai đó cảm thấy bị xúc phạm vì điều chúng ta làm. “Tôi xin lỗi”. Đừng quên ba từ: “xin phép”, “cảm ơn”, và “xin lỗi”. Nếu trong môi trường gia đình có ba chữ này thì gia đình đó ổn.

Ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hướng đến tấm gương truyền giáo trong gia đình, đề xuất cho chúng ta lý tưởng về tình yêu vợ chồng và gia đình, như đã được nhấn mạnh trong Tông huấn Amoris Laetitia, mà ngày 19 tháng Ba tới đây là kỷ niệm 5 năm công bố. Và sẽ có một năm kéo dài từ 19 tháng Ba, 2021 đến 19 tháng Ba, 2022 để suy ngẫm về Amoris Laetitia và đó sẽ là cơ hội để đào sâu nội dung của tài liệu này.

Những suy tư này sẽ được cung cấp cho các cộng đồng và gia đình trong Giáo hội, để đồng hành với họ. Từ giờ trở đi, tôi mời mọi người tham gia các sáng kiến sẽ được cổ vũ trong năm đó và sẽ được điều phối bởi Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống. Chúng ta giao phó cuộc hành trình này với các gia đình từ khắp nơi trên thế giới cho Thánh Gia Nadarét, đặc biệt là cho Thánh Giuse, người chồng và người cha ân cần.

Cầu xin cho Đức Trinh Nữ Maria, đấng mà chúng ta giờ đây hướng về trong kinh Truyền Tin, xin cho các gia đình trên toàn thế giới ngày càng bị cuốn hút bởi lý tưởng Phúc Âm của Thánh Gia, để trở thành men cho một nhân loại mới, và cho một tình liên đới cụ thể và phổ quát

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi chào tất cả anh chị em, các gia đình, các nhóm và cá nhân các tín hữu, những người đang theo dõi buổi đọc kinh Truyền Tin qua các phương tiện giao tiếp xã hội. Suy nghĩ của tôi đặc biệt hướng đến những gia đình đã mất đi một hay nhiều người thân trong những tháng gần đây hoặc bị thử thách do hậu quả của đại dịch. Tôi cũng đang nghĩ đến các bác sĩ, y tá và tất cả các nhân viên y tế, những người dấn thân rất lớn khi đứng trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của vi rút đã gây ra những hậu quả kinh hoàng đối với cuộc sống gia đình.

Và hôm nay tôi giao phó mọi gia đình cho Chúa, đặc biệt là những gia đình bị thử thách nhiều nhất bởi những khó khăn của cuộc sống và bởi những vết thương của sự thiếu cảm thông và chia rẽ. Nguyện xin Chúa Hài Đồng, giáng sinh tại Bết-lê-hem, ban cho mọi người sự thanh thản và sức mạnh để hiệp nhất bước đi theo đường ngay nẻo chính.

Và đừng quên ba từ này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc sống hiệp nhất trong gia đình: “xin phép” – để tôn trọng người khác chứ không xâm phạm – “cảm ơn” – cảm ơn lẫn nhau trong gia đình – và “xin lỗi” khi chúng ta làm một điều xấu. Và hãy ghi nhớ điều này “xin lỗi” – sau khi anh chị em đã chiến đấu – hãy nói trước khi một ngày kết thúc: hãy làm hòa trước khi trời tối.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ và đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và chào tạm biệt!

Đặng Tự Do


Kinh Truyền Tin lễ thánh Stêphanô: trở nên nhân chứng

 Trưa 26/12 – Lễ thánh Stêphanô, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin được phát từ thư viện Dinh Tông Toà, Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu trở nên nhân chứng của Chúa Giêsu trong cuộc sống qua những điều nhỏ bé thường ngày.

Kinh Truyền Tin lễ thánh Stêphanô: trở nên nhân chứng


Văn Yên, SJ – Vatican News

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng hôm qua đã nói về Chúa Giêsu là “ánh sáng thật”, Đấng đã đến trong thế gian, là ánh sáng “chiếu trong bóng tối” và “bóng tối không diệt được ánh sáng” (Ga 1,9.5). Hôm nay chúng ta thấy vị chứng nhân của Chúa Giê-su, thánh Stephanô, sáng chói trong bóng tối. Các chứng nhân được chiếu sáng bằng ánh sáng của Chúa Giê-su, họ không có ánh sáng của riêng họ. Giáo hội cũng không có ánh sáng của riêng mình; vì lý do này mà các giáo phụ đã gọi Giáo hội là: “mầu nhiệm của mặt trăng”. Giống như mặt trăng không có ánh sáng riêng, các chứng nhân không có ánh sáng riêng, họ có khả năng nhận ánh sáng của Chúa Giêsu và phản chiếu nó. Thánh Stêphanô bị kết tội oan sai và bị ném đá tàn nhẫn, nhưng trong bóng tối của hận thù, trong sự đau đớn khi bị ném đá, Ngài đã làm cho ánh sáng của Chúa Giê-su tỏa sáng: Ngài cầu nguyện cho những kẻ giết mình và tha thứ cho họ, như Chúa Giêsu trên Thánh giá. Ngài là vị tử đạo tiên khởi, một chứng nhân, người đầu tiên của nhiều anh chị em tiếp tục mang ánh sáng vào bóng tối: những người đáp lại cái ác bằng điều thiện, người không nhượng bộ bạo lực và dối trá, nhưng phá vỡ vòng xoáy của hận thù bằng sự hiền lành của tình yêu. Những chứng nhân này thắp sáng bình minh của Thiên Chúa trong những đêm đen của thế giới.

Nhưng bạn trở thành những nhân chứng thế nào? Là bắt chước Chúa Giêsu, khi nhận lấy ánh sáng từ Chúa Giêsu. Đây là con đường cho mọi Kitô hữu: noi gương Chúa Giêsu, nhận lấy ánh sáng từ Chúa Giêsu, thánh Stêphanô nêu gương cho chúng ta: Chúa Giêsu đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mc 10,45), và thánh Stêphanô sống để phục vụ: Thánh Stêphanô đã được chọn làm phó tế, ngài trở thành một phó tế, nghĩa là người phục vụ và giúp đỡ người nghèo tại bàn ăn (x. Cv 6,2). Ngài cố gắng noi gương Chúa mỗi ngày và ngài làm điều đó ngay cả đến giây phút cuối: như Chúa Giê-su, ngài bị bắt, bị kết án và bị giết bên ngoài thành phố, và giống như Chúa Giê-su, ngài cầu nguyện và tha thứ. Trong khi bị ném đá, ngài nói: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (7,60). Stêphanô trở thành nhân chứng nhờ bắt chước Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, một câu hỏi có thể nảy sinh: những chứng tá về lòng tốt này có thực sự cần thiết khi sự gian ác tràn lan trên thế giới? Cầu nguyện và tha thứ có ích gì? Chỉ để đưa ra một gương tốt? Mà như thế có ích gì? Không, còn hơn thế. Chúng ta khám phá một trường hợp đặc thù khác. Trong số những người được Stephanô cầu nguyện và tha thứ, còn có, như sách Công Vụ viết, “một thanh niên, tên là Saulô” (c. 58), người đã “tán thành việc giết ông Stêphanô” (8,1). Ít lâu sau, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Saulô được hoán cải, đón nhận ánh sáng của Chúa Giêsu, chấp nhận nó, hoán cải và trở thành Phaolô, nhà truyền giáo vĩ đại nhất trong lịch sử. Phaolô được sinh ra từ ân sủng của Thiên Chúa, nhưng nhờ sự tha thứ của Stêphanô, nhờ chứng tá của Stêphanô. Đây là hạt giống của sự hoán cải của Phaolô. Đây là bằng chứng cho thấy những cử chỉ yêu thương làm thay đổi lịch sử: ngay cả những điều nhỏ nhặt, ẩn giấu và hàng ngày. Bởi vì Chúa hướng dẫn lịch sử qua lòng can đảm khiêm tốn của những ai cầu nguyện, yêu thương và tha thứ. Có nhiều vị thánh ẩn danh, những vị thánh bên cạnh nhà, những chứng nhân ẩn mình trong cuộc sống, với những cử chỉ nhỏ của tình yêu họ làm thay đổi lịch sử.

Việc trở nên nhân chứng của Chúa Giêsu cũng áp dụng cho chúng ta. Chúa muốn chúng ta biến cuộc sống thành một công trình phi thường qua những cử chỉ bình thường, những cử chỉ hàng ngày. Nơi chúng ta sống, trong gia đình, nơi làm việc, ở mọi nơi, chúng ta được mời gọi trở thành nhân chứng của Chúa Giêsu, dù chỉ bằng cách nở một nụ cười, và tránh xa khỏi bóng tối của những lời bàn tán và đàm tiếu. Và sau đó, khi chúng ta thấy điều gì đó không ổn, thay vì chỉ trích, buôn chuyện và phàn nàn, chúng ta cầu nguyện cho những người đã mắc lỗi và cho hoàn cảnh khó khăn đó. Và khi một cuộc cãi vả nảy sinh trong nhà, thay vì cố gắng dành ưu thế, chúng ta cố gắng xoa dịu; và mỗi lần lại bắt đầu, hãy tha thứ cho những người đã xúc phạm chúng ta. Thánh Stephanô, trong khi nhận những viên đá của hận thù, đã đáp lại những lời tha thứ. Như thế ngài đã làm thay đổi lịch sử. Chúng ta cũng có thể thay đổi điều ác thành điều thiện mỗi ngày, như một câu châm ngôn hay rằng: “Hãy làm như cây cọ: người ta ném nó bằng đá và nó trả lại bằng quả chà là”.

Hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho những người bị bách hại vì danh Chúa Giêsu. Thật không may là họ rất nhiều, còn nhiều hơn cả thời đầu của Giáo hội. Chúng ta hãy trao phó những anh chị em này của chúng ta cho Đức Mẹ, Đấng đã đáp lại áp bức bằng sự hiền lành và như những chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu, chiến thắng sự dữ bằng điều thiện.

Bài Tiêu Biểu

- Copyright © Giáo xứ bích trì - Blogger Templates - Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -