Hiển thị các bài đăng có nhãn Tin tức. Hiển thị tất cả bài đăng

Thánh Ca Hay Nhất Dành Cho Giáng Sinh 2018 - LM. Nguyễn Sang

Tuyển tập chọn lọc nhạc thánh ca mừng chúa giáng sinh 2018 hay nhất của LM Nguyễn Sang, thánh ca công giáo noel 2018

1. mùa đông năm ấy 2. cao cung lên 3. hang bê lem 4. loài người ơi 5. bê lem quạnh hiu 6. lễ hiển linh 7. chuyện một đêm đông 8. tâm tình hòa bình 9. holy night 10. tấm lòng dâng chúa hài nhi 11. tin mừng cứu chuộc 12 nơi bê lem 13. giáng sinh trong mái nghèo 14. quê hương thượng đế 15. huyền thoại một vì sao 16. trời đêm bê lem
17. đêm noel

Cả vạn tín hữu cung nghinh Mình Thánh Chúa tại Hà Nội

 

Cả vạn tín hữu cung nghinh Mình Thánh Chúa tại Hà Nội

Sau Thánh lễ trọng thể kính Mình Máu Thánh Chúa vào lúc 16h, Chúa Nhật ngày 19/6/2022 do Đức Tổng Giám Mục Giuse cử hành, cùng với đông đảo mọi thành phần dân Chúa, Đức TGM Giuse đã long trọng chủ sự cuộc cung nghinh Mình Thánh Chúa xung quanh 5 tuyến phố của quận Hoàn Kiếm- thành phố Hà Nội: Nhà thờ – Hàng Trống – Lê Thái Tổ – Tràng Thi – Nhà Chung.

Theo truyền thống của TGP, vào Chúa Nhật lễ kính Mình Máu Thánh Chúa hàng năm, các Giáo xứ tổ chức cung nghinh Thánh Thể Chúa. Cũng trong tâm tình ấy, hôm nay trong bầu khí tưng bừng mọi thành phần dân Chúa từ nhiều Giáo xứ, Giáo họ trong nội thành Hà Nội nô nức trở về ngôi nhà thờ Mẹ của TGP để cùng với vị Cha chung long trọng cử hành cuộc cung nghinh linh thiêng.

Trải qua dòng thời gian, kể từ sau cuộc cung nghinh Thánh Thể vào năm 1953 do Đức Khâm sứ Toà thánh chủ sự, mãi đến hôm nay, sau gần 70 năm, cuộc cung nghinh linh thiêng quy tụ cả vạn tín hữu mới được tái hiện.

Tham dự cuộc cung nghinh trọng thể có sự hiện diện trân quý của Đức TGM Giuse, Đức Hồng Y Phêrô, Đức cha Lôrensô, cha Tổng Đại diện Antôn, cha Quản hạt Chính Toà, quý Cha đồng tế, quý nam nữ Tu sĩ, Chủng sinh, hơn 20 đoàn hội đến từ các Giáo xứ trong nội thành Hà Nội và con số rất đông cộng đoàn dân Chúa tại nội thành Hà Nội.

Mặc cho tiết trời oi bức của những ngày hè nắng nóng, ngay từ đầu giờ chiều, các đoàn hội từ các Giáo xứ nội thành đã tập trung chật kín nơi khuôn viên quảng trường Đức Mẹ. 

34 đội rước với đầy đủ mọi thành phần dân Chúa, từ các em thiếu nhi đến các bậc cao niên thuộc các đoàn hội khác nhau, trong những bộ trang phục nhiều màu sắc đã tạo nên một bức tranh sống động, phác họa vẻ đẹp Đức tin mạnh mẽ của những Kitô hữu nơi mảnh đất Hà Thành.

Cuộc cung nghinh được chia làm 2 tạm chính với khởi đầu là từ trong Nhà thờ. Tạm thứ nhất được đặt tại dòng Mến Thánh Giá Hà Nội (31 Nhà Chung- Hàng Trống- Hoàn Kiếm) và tạm thứ hai là tại quảng trường Đức Mẹ, khuôn viên trước Nhà thờ Chính tòa. Tại 2 tạm dừng chân, cộng đoàn cùng sốt mến, trang nghiêm, thờ lạy Thánh Thể Chúa. 

Sau khi tiến về trước quảng trường của Nhà thờ, Đức TGM Giuse đã cử hành Lời nguyện và Phép lành Thánh Thể.

Bằng những điệu nhạc của bài thánh ca trầm hùng “Vạn tuế vua Giêsu” do ca đoàn Gloria thể hiện, hòa điệu trong những tiếng trống rền vang và tiếng kèn vang dội cuộc cung nghinh Thánh Thể chính thức khép lại. 

Cuộc cung nghinh đã kết thúc, ước mong mọi thành phần dân Chúa kín múc được dồi dào nguồn Ân sủng của Thánh Thể Chúa để mưu ích cho bản thân, gia đình và Giáo hội. Hầu Ơn Chúa sẽ được mở rộng và lan tỏa đến mọi ngả đường của TGP.

Hàng triệu người ở Âu Châu rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa

 

Hàng triệu người ở Âu Châu rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa

Tình hình dịch bệnh đã khả quan. Trong bối cảnh này, ngày lễ Corpus Christi đã được khôi phục ở nhiều nơi, và hàng triệu người đã tham gia các cuộc rước kiệu Mình Máu Thánh Chúa tại Âu Châu vào hôm thứ Năm 16 tháng Sáu.

Hàng triệu người Công Giáo trên thế giới đã cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hay còn được gọi là Corpus Christi đúng vào ngày thứ Năm 16 tháng Sáu vừa qua. Bên cạnh thánh lễ, các buổi cử hành còn kèm theo một cuộc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố.

Tại nhiều nước Âu Châu, các tín hữu tham gia trong đoàn rước trong những trang phục truyền thống rất đẹp khi họ rước kiệu Mình Thánh Chúa qua các đường phố.

Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một lễ trọng trong năm phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, trong đó chúng ta bày tỏ niềm xác tín về sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể. Ngày chính lễ là ngày thứ Năm sau Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, theo nhu cầu của từng địa phương lễ Corpus Christi có thể được mừng vào ngày Chúa Nhật tiếp theo.

Martin Luther là một người quyết liệt chống lễ Mình Máu Thánh Chúa. Ông ta chống lại mọi chuyện rước sách. Đặc biệt, việc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố bị ông ta cho là một việc phạm thánh trầm trọng. Từ đó, người Tin Lành chống đối rất mạnh ngày lễ Corpus Christi. Năm 1548, Anh Giáo ngả theo Tin Lành và cấm chỉ việc cử hành ngày lễ này. Tuy nhiên, sau đó họ đã dần dần tái lập ngày lễ này.

Bàn về việc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố, Đức Thánh Cha nói trong bài giảng của ngài hôm 4 tháng 6 năm 2015 rằng:

“Hôm nay, lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta không chỉ có niềm vui cử hành mầu nhiệm này, nhưng còn có dịp ca ngợi Ngài và ca hát trên các đường phố của thành phố chúng ta. Xin cho cuộc rước chúng ta sẽ thực hiện vào cuối thánh lễ này thể hiện lòng biết ơn của chúng ta đối với tất cả các hành trình Chúa đã cho chúng ta thực hiện ngang qua các sa mạc của nghèo đói, để đưa chúng ta ra khỏi tình trạng nô lệ, qua việc nuôi dưỡng chúng ta với tình yêu của Ngài qua Bí Tích Mình và Máu Thánh Chúa.

Chút nữa đây, chúng ta sẽ đi bộ dọc theo những con đường, chúng ta cảm nhận được chính mình trong sự hiệp thông với nhiều anh chị em không có quyền tự do bày tỏ đức tin của họ nơi Chúa Giêsu. Chúng ta hãy kết hiệp với họ, chúng ta hãy hát với họ, khen ngợi với họ, yêu mến với họ. Và chúng ta tôn vinh trong tâm hồn chúng ta những anh chị em đã phải hy sinh mạng sống mình vì sự trung tín với Chúa Kitô. Xin cho máu các vị khi kết hợp với máu Chúa sẽ là một bảo chứng cho hòa bình và hòa giải cho toàn thế giới.”

Ngày nay, Lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành trong các Giáo Hội Công Giáo Rôma, Anh Giáo, Giáo Hội Luther, Giáo Hội Công Giáo Cổ, và là ngày nghỉ lễ chính thức tại Áo, Brazil, Bolivia, Bosnia và Herzegovina, Colombia, Croatia, Cộng hòa Dominican, Haiti, Đông Timor, Liechtenstein, Monaco, Panama, Peru, Ba Lan, San Marino, Thụy Sĩ, Grenada, Saint Lucia, Trinidad và Tobago và một số tiểu bang tại Đức và Tây Ban Nha.

Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một trong 5 lễ trọng trong năm mà một giám mục giáo phận không được rời khỏi giáo phận của mình, ngoại trừ những lý do khẩn cấp.

Corpus Christi là một ngày lễ nghỉ tại sáu bang của Đức, trong đó có bang Bavaria, quê hương của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, nơi hầu hết các thành phố và thị trấn vẫn tổ chức các cuộc rước kiệu truyền thống. Các ông cưỡi ngựa giơ cao thánh giá trong khi các cô gái trẻ, ăn mặc như các cô phù dâu trong trang phục truyền thống màu trắng.

Thành phố Appenzell của Thụy Sĩ là một trong những nơi thu hút khách du lịch rất mạnh trong dịp lễ Corpus Christi. Trong đoàn rước rất dài, đầy mầu sắc, qua các phố xá người ta thấy các thiếu nữ cũng như các bà mẹ Công Giáo mặc trang phục Taefeli-Meedli đã có từ thời Trung Cổ long trọng rước Mình Thánh Chúa từ nhà thờ chính tòa Appenzell đến quảng trường chính của thành phố.

Święto Bożego Ciała

Người Ba Lan gọi lễ Corpus Christi là Święto Bożego Ciała. Đó là một dịp lễ tưng bừng tại tất cả các thành phố, thị trấn và làng mạc. Sau thánh lễ tại nhà thờ, các đoàn rước tiến qua các đường phố với các thiếu nhi rước tượng Đức Mẹ đi đầu, tiếp theo là các linh mục kính cẩn cung nghinh Mặt Nhật theo sau, cùng với đông đảo anh chị em giáo dân, vừa đi, vừa cầu nguyện và hát. Sau đám rước, họ trở về nhà thờ và chầu Thánh thể suốt cả ngày đến chiều tối.

Người Công Giáo đã tham gia vào các cuộc rước Corpus Christi trên khắp Ba Lan vào hôm thứ Năm 16 tháng 6.

Theo truyền thống của Ba Lan, các bé gái gần đây được Rước Lễ lần đầu đã rải những cánh hoa hồng trước Mình Thánh Chúa, được một linh mục kính cẩn cung nghinh trong một Mặt Nhật dưới một lọng che.

Mừng lễ Corpus Christi ở Poznań, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, là Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki nói rằng “không một cộng đồng Kitô giáo nào có thể vượt qua được sự cô đơn và hình thành được một cộng đồng nếu cộng đồng đó không có nguồn gốc và cơ sở từ việc cử hành Thánh Thể”.

Đức Cha Andrzej Przybylski, Giám Mục Phụ Tá của Częstochowa, đã cử hành thánh lễ ngoài trời tại Jasna Góra, nơi có bức ảnh Đức Mẹ Đen rất được các tín hữu Ba Lan tôn kính.

“Kho báu lớn nhất của Đền thờ Jasna Góra không phải là bức ảnh tuyệt vời và đẹp đẽ này của Đức Mẹ Jasna Góra mà chính là Mình Thánh Chúa và lời cầu nguyện quan trọng nhất và hiệu quả nhất là Thánh Lễ. Bí tích Thánh Thể là mặt trời và là trung tâm đức tin của chúng ta,” Đức Cha Przybylski nói trong bài giảng.

Đức Tổng Giám Mục Wojciech Polak của tổng giáo phận Gniezno nhận xét rằng Corpus Christi “là về nhận thức sống động rằng Bí tích Thánh Thể là bí tích của sự hiện diện của Thiên Chúa và bản chất này không thể và không bao giờ có thể thay thế được bằng thực tại ảo.”

Hội đồng giám mục Ba Lan tuyên bố rằng “trong suốt tám ngày chung quanh lễ Corpus Christi, người Ba Lan sẽ tham gia vào các cuộc rước, là một phần của lòng mộ đạo qua đó người Ba Lan bày tỏ tình yêu đối với Chúa Giêsu Thánh Thể.”

Corpus Christi là một ngày lễ quốc gia ở Ba Lan. Tham gia vào một đám rước không chỉ là một lời tuyên xưng đức tin công khai, mà còn là một biểu hiện của lòng yêu nước.

Dưới sự cai trị của cộng sản sau Thế chiến thứ hai, các cuộc rước kiệu Corpus Christi là một dấu chỉ của sự hiệp nhất và đức tin của dân tộc. Các nhà chức trách vô thần đã cố gắng cấm các đám rước trong nhiều trường hợp.

Thông thường, sau khi tham dự cuộc rước của giáo xứ mình, người Công Giáo viếng thăm bốn nhà thờ lân cận. Tại mỗi nơi, trong khi các tín hữu cầu nguyện, vị linh mục sở tại ban phép lành Mình Thánh Chúa và đọc Tin Mừng.

Ba Lan, với dân số gần 38 triệu người, trong đó 93% là người Công Giáo, đã không bị ảnh hưởng bao nhiêu bởi đại dịch so với các nước Âu Châu khác.

Corpus Christi ở Ba Lan có một số truyền thống dân gian ngoài việc rải những cánh hoa, còn bao gồm biểu diễn các ca khúc và mặc các trang phục dân gian.

Một phong tục khác là đặt các thảm hoa. Ở Spycimierz, một giáo xứ nhỏ ở miền trung Ba Lan, truyền thống này đã được gìn giữ trong hơn 200 năm, và những tấm thảm hoa trải dài hơn một cây số.

Lịch sử ngày lễ này.

Vào năm 1246, tại Toà giám mục Liège của Bỉ quốc, người ta thấy có cuộc gặp gỡ bất thường giữa Đức Cha Rôbectô de Thorate và sơ Juliana, một nữ tu khiêm hạ và thánh thiện của Dòng Augustinô. Sơ Juliana đến xin yết kiến vị Giám mục sở tại để dâng lên một lời thỉnh cầu: xin giáo quyền cho thiết lập ngày lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu.

Vị Giám mục thánh thiện và khôn ngoan Rôbectô đã hỏi vị nữ tu về động lực thúc đẩy lời thỉnh cầu này. Sơ Juliana thành thật trình bày với Đức Cha rằng hồi nhỏ sơ có thấy hình một vầng trăng rằm với một đốm đen trên đó. Mãi về sau, trong một lần hiện ra, Chúa Giêsu đã giải thích cho Sơ Juliana về ý nghĩa của giấc mơ ngày xưa: vầng trăng rằm tượng trưng cho chu kỳ phụng vụ trong năm; đốm đen là vì trong chu kỳ đó vẫn còn thiếu một ngày lễ để vinh danh Thân Mình Cực Thánh của Chúa Giêsu. Theo Sơ Juliana, ngoài Thứ Năm Tuần Thánh, ngày tưởng niệm việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu còn muốn Giáo Hội có một ngày khác để tôn kính Mình Máu của Ngài.

Kèm với lời giải thích và tỏ bày ý muốn, Chúa Giêsu còn nêu lên ba lý do của việc làm này:

Thứ nhất, Ngài khát khao niềm tin vào Bí tích Thánh Thể được càng ngày càng vững vàng mạnh mẽ nơi mỗi người Kitô hữu;

Thứ hai, Ngài ao ước mọi tín hữu múc được sức mạnh thiêng liêng nơi Bí tích Thánh Thể để có thể can đảm thực thi các nhân đức;

Thứ ba, Ngài mong muốn người tín hữu có cơ hội sửa chữa cho những phạm thánh và bất kính mà loài người đã gây nên.

Dường như được ơn Chúa soi sáng và sắp xếp, nên Đức Cha Rôbectô de Thorate đã lắng nghe và tin tưởng những điều Sơ Juliana nói. Thế rồi, chẳng bao lâu sau, ngài cho thiết lập trong địa phận một ngày lễ kính Mình Thánh Chúa hay còn được gọi là Corpus Christi (tiếng Latinh).

Đức Cha cũng đã trình cho Đức Giáo Hoàng Ubanô IV về những gì ngài đang thực hiện trong địa phận. Và rồi, đến năm 1264, Đức Ubanô đã cho công bố với Giáo Hội hoàn vũ việc chọn ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi làm ngày kính Mình Thánh Chúa cách đặc biệt.

Tập quán trên đã được tuân giữ từ thế kỷ 13 cho đến những thập niên gần đây. Sau Công đồng Vaticanô II, một vài sửa đổi đã được thực thi, trong đó lễ Corpus Christi có thể được dời vào ngày Chúa Nhật sau Lễ Chúa Ba Ngôi theo nhu cầu của địa phương. Suốt hơn 8 thế kỷ trôi qua, cứ đến ngày lễ Kính Mình Thánh Chúa, khắp nơi, trong nhiều giáo xứ, người ta tổ chức chầu lượt, lôi cuốn biết bao nhiêu giáo hữu đến kính thờ suy tôn Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể.

VietCatholic Media

Đội vô địch Âu Châu kính dâng Đức Mẹ Almudena chiếc cúp vừa giành được

 


Real Madrid CF đã trở lại Tây Ban Nha vào hôm Chúa Nhật sau khi giành chiến thắng trong trận chung kết EUFA, và tặng cho Đức Mẹ Almudena cả chiếc cúp này đã giành được vào trong giải vô địch giải túc cầu Tây Ban Nha.

Real Madrid đã giành chiến thắng 1-0 trong trận chung kết EUFA ngày 28 tháng 5 trước Liverpool FC. Trận đấu được diễn ra tại Paris và bàn thắng quyết định được ghi bởi Vinicius Junior ở phút 59. Đây là lần thứ 14 Real Madrid đoạt giải vô địch bóng đá Âu Châu.

Đội bóng, được đón tiếp bởi hàng chục nghìn người hâm mộ trên các đường phố ở thủ đô Tây Ban Nha ngày 29/5, đã đến Nhà thờ Almudena vào buổi tối và được Đức Hồng Y Carlos Osoro Sierra của Madrid tiếp đón.

Đây không phải là lần đầu tiên Real Madrid dâng chiếc cúp Champions League cho Đức Mẹ.

Trong chuyến thăm, Đức Hồng Y Osoro đã chào đón các cầu thủ “bằng tình cảm và niềm vui”.

Theo báo cáo của Tổng giáo phận Madrid, vị Hồng Y đã cảm ơn họ vì đã mang tên thủ đô Tây Ban Nha đến nhiều chân trời góc bể như Thánh Isidore Nông dân, “một người giản dị có mặt trên tất cả các lục địa”, là người Tổng giáo phận Madrid đang dành một Năm Thánh để kính nhớ Ngài.

Trong buổi lễ ngắn gọn, giám đốc quan hệ công chúng của Real Madrid, cựu cầu thủ bóng đá Emilio Butragueño, đã đọc một số lời cầu nguyện, một trong số đó xin cho các cầu thủ và những người có mặt trải nghiệm “sự bảo vệ từ mẫu của Đức Trinh nữ Maria”.

VietCatholic Media


Nếu có mật nghị sớm trước khi được tấn phong, liệu các Hồng Y vừa được nêu tên có được bỏ phiếu không?

 Đức Thánh Cha Phanxicô đã gây bất ngờ khi công bố danh sách các tân Hồng Y vào ngày 29 tháng 5 vừa qua, trong đó có 16 tân Hồng Y cử tri và 5 Hồng Y quá tuổi tham gia mật nghị bầu Giáo Hoàng. Các ngài sẽ trở thành Hồng Y trong một cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 27 tháng 8.

Nếu có mật nghị sớm trước khi được tấn phong, liệu các Hồng Y vừa được nêu tên có được bỏ phiếu không?


Cho đến nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chưa lần nào đề cập đến việc thoái vị, nhưng một số chuyên gia vẫn tiếp tục suy đoán về sự kết thúc của triều đại giáo hoàng. Trong bối cảnh có sự chậm trễ bất thường lên đến ba tháng từ ngày công bố cho đến ngày các vị này được chính thức tấn phong Hồng Y, một câu hỏi nảy sinh là điều gì sẽ xảy ra với các Hồng Y vừa được chỉ định trong trường hợp một mật nghị bầu Giáo Hoàng diễn ra? Việc gia nhập Hồng Y Đoàn có hiệu quả vào thời điểm nào? Đây là một số câu hỏi I.MEDIA đã hỏi Đức Ông Patrick Valdrini, giáo sư danh dự về giáo luật tại Đại học Latêranô.

Sau nghi thức tấn phong Hồng Y vào ngày 27 tháng 8, Giáo Hội sẽ có 132 Hồng Y cử tri, đây là một kỷ lục dưới triều đại giáo hoàng hiện tại, vượt qua đáng kể ngưỡng 120 Hồng Y do Đức Phaolô Đệ Lục đặt ra trong Tông Hiến Romano Pontifici Eligendo ngày 1 tháng 10, Năm 1975.

Mặc dù không bãi bỏ quy định này, nhưng việc phá vỡ quy định này là “đặc quyền” của đương kim giáo hoàng, người là “nhà lập pháp tối cao và có thể vi phạm các luật do các giáo hoàng ban hành”, cho dù luật ấy là của chính ngài hay một trong những người tiền nhiệm của ngài. Valdrini nói trong Vatican, “không có quyền tài phán hiến pháp”. Không có thẩm quyền nào có thể làm mất hiệu lực một quyết định của Giáo hoàng, vì sự phân chia quyền lực không tồn tại.

Đây sẽ là lần thứ 13 một giáo hoàng vượt quá giới hạn 120 Hồng Y cử tri. Kỷ lục về việc vượt ngưỡng được thiết lập trong lần tấn phong Hồng Y đầu tiên của thế kỷ 21, vào ngày 21 tháng 2 năm 2001, khi Đức Gioan Phaolô II tấn phong 42 Hồng Y, 38 trong số các vị là Hồng Y cử tri: điều này đã nâng số Hồng Y cử tri lên 136. một lần nữa ngưỡng 120 bị vượt qua là vào lần tấn phong Hồng Y cuối cùng của ngài, vào ngày 21 tháng 10 năm 2003. Điều đó đã nâng con số lên 135 Hồng Y cử tri trong Hồng Y Đoàn.

Các giáo hoàng gần đây luôn thể hiện sự linh hoạt nhất định đối với ngưỡng 120 Hồng Y cử tri. Đức Gioan Phaolô II đã vượt ngưỡng ba lần, Đức Bênêđíctô XVI hai lần, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã vượt ngưỡng trong mọi dịp tấn phong Hồng Y, nghĩa là tám lần, bao gồm cả lần sắp tới.

Điều gì sẽ xảy ra nếu mật nghị diễn ra trước khi các Hồng Y này được tấn phong?

Trong trường hợp Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời hoặc từ chức trước ngày 27 tháng 8, quyết định tấn phong Hồng Y được Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra vào ngày 29 tháng 5 vừa qua sẽ bị hủy bỏ, bởi vì việc tấn phong này bị ràng buộc chặt chẽ với đương kim Giáo hoàng. Chỉ những Hồng Y cử tri Hồng Y cử tri đã được tấn phong, hiện có 117 vị như thế, mới được triệu tập vào mật nghị. Tư cách Hồng Y chỉ được Giáo Hội nhìn nhận sau nghi thức tấn phong Hồng Y chứ không phải sau một thông báo đơn thuần.

Điều 36 của Tông Hiến Universi Dominici Gregis do Đức Gioan Phaolô II ban hành năm 1996 khẳng định như sau: “Một vị Hồng Y của Hội Thánh Rôma, người đã được tạo ra và công bố trước Hồng Y Đoàn, có quyền bầu Giáo hoàng, theo quy tắc số 33 của Tông Hiến hiện hành, ngay cả khi ngài vẫn chưa nhận được chiếc mũ đỏ hoặc chiếc nhẫn, hoặc chưa tuyên thệ”

Điều khoản này có nghĩa là đối với các Hồng Y đã được xác nhận trong một công nghị tấn phong Hồng Y, sự vắng mặt thực tế của vị tân Hồng Y ấy trong buổi lễ vì lý do sức khỏe hoặc các vấn đề về giao thông — như đã xảy ra vào tháng 11 năm 2020 trong một công nghị tấn phong Hồng Y được tổ chức giữa một trận đại dịch — không ngăn cản ngài trở thành một Hồng Y, và do đó ngài có quyền tham gia mật nghị vào một ngày sau đó.

Nói cách khác, phải có công nghị tấn phong Hồng Y, trong đó Đức Thánh Cha xác nhận trước Hồng Y Đoàn vị ấy là Hồng Y, vị ấy có mặt trong buổi lễ hay không, không phải là vấn đề.

Việc công bố một công nghị tấn phong Hồng Y chỉ có giá trị ràng buộc đối với đương kim giáo hoàng. Nếu triều đại giáo hoàng hiện tại kết thúc, thì việc lựa chọn các Hồng Y tương lai có liên quan đến quyết định cá nhân của Đức Thánh Cha Phanxicô, “người kế vị của ngài có thể không tấn phong cho các vị ấy,” Đức Ông Valdrini nói. Tuy nhiên, theo thông lệ, nhằm đưa ra các dấu chỉ cho tính liên tục, ít nhất là vào đầu triều đại giáo hoàng, vị tân giáo hoàng có thể triệu tập một công nghị tấn phong Hồng Y khác có cùng danh sách, hoặc bổ sung vào danh sách đó.

Trường hợp của các Hồng Y bị phế truất

Liên quan đến việc tham gia mật nghị, Tông Hiến năm 1996 quy định rõ rằng “Các Hồng Y đã bị phế truất về mặt pháp lý hoặc những người được sự đồng ý của Giáo hoàng Rôma đã từ bỏ đặc quyền Hồng Y thì không có quyền này. Hơn nữa, trong khoảng thời gian trống tòa, Hồng Y Đoàn không thể thu nhận lại hoặc phục hồi tư cách Hồng Y của họ. “

Những trường hợp rút khỏi Hồng Y Đoàn này rất hiếm nhưng trong lịch sử gần đây cũng có một số trường hợp. Năm 1927, Hồng Y người Pháp Louis Billot từ bỏ chức Hồng Y vì bất đồng với Đức Piô XI về việc lên án Action Française, và ngài qua đời với tư cách là một linh mục Dòng Tên giản dị.

Nhiều thập kỷ sau, vào năm 2018, cựu Tổng Giám mục Washington Theodore McCarrick bị mất chức Hồng Y vì liên quan đến lạm dụng trẻ em. Ông ta vẫn còn sống, nhưng hiện đã bị hạ xuống tư cách giáo dân.

Hồng Y Keith O’Brien, một cựu tổng giám mục của Edinburgh, người cũng liên quan đến lạm dụng tình dục, nhưng không lạm dụng trẻ vị thành niên, đã từ bỏ việc tham gia mật nghị năm 2013 và sau đó chính thức từ bỏ các quyền và đặc quyền của Hồng Y vào năm 2015, mặc dù ông được giữ lại danh hiệu.

Cuối cùng, Hồng Y Becciu đã bị tước bỏ các đặc quyền của mình với tư cách là Hồng Y cử tri Hồng Y vào năm 2020 do cáo buộc tham nhũng liên quan đến vụ mua bán địa ốc ở London. Vị cựu Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh sẽ không thể tham gia mật nghị nếu được tổ chức ngay bây giờ, nhưng, giống như các Hồng Y trên 80 tuổi, ngài vẫn giữ được danh hiệu Hồng Y. Hồng Y Becciu có thể giành lại quyền bỏ phiếu nếu được trắng án khi kết thúc thủ tục pháp lý hiện tại. Khả năng phục hồi sẽ lại là đặc quyền cá nhân của giáo hoàng.

Đặng Tự Do

TGP Hà Nội: Thư mục vụ gửi giáo dân giáo xứ Phú Đa trong cơn đại dịch Covid



Trong những ngày qua, toàn xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã phải cách ly xã hội nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid lây lan. Giáo xứ Phú Đa thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội nằm gọn trong xã Công Lý. Trong khi phải thực hiện các biện pháp cách ly xã hội, nhiều tín hữu thuộc giáo xứ Phú Đa không khỏi hoang mang sợ hãi. Đứng trước hoàn cảnh này, Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đã gửi thư mục vụ tới anh chị em tín hữu nơi đây hầu giúp anh chị em vững tin và can đảm vượt qua giai đoạn khó khăn này. Sau đây là toàn văn bức thư

———–

Hà Nội, ngày 3 tháng 6 năm 2021

Kính gửi Cha Giuse Phạm Minh Triệu, Chính xứ Phú Đa
Hội đồng Mục vụ và Anh chị em tín hữu xứ Phú Đa

Thưa Cha và Anh Chị Em,

Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, gây thiệt hại trong nhiều lãnh vực. Đối với Giáo xứ Phú Đa, đợt dịch này ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Qua Cha xứ, tôi được biết hiện tại có hơn một ngàn người giáo dân phải cách ly tập trung. Những người còn lại trong Giáo xứ cũng phải thực hiện hình thức giãn cách xã hội để tránh dịch bệnh lây lan. Nhà thờ phải đóng cửa, hằng ngày Cha xứ phải dâng lễ riêng. Những thực hành đạo đức khác như Chầu Thánh Thể, Lần hạt Mân Côi cũng phải thực hiện qua hình thức trực tuyến. Mọi sinh hoạt hằng ngày phải tạm dừng hoặc hạn chế tới mức tối thiểu.

Qua những thông tin, tôi được biết Cha xứ, Hội đồng Giáo xứ và Anh chị em rất tích cực cộng tác để góp phần đẩy lui dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội và áp dụng các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh. Mặc dù phải cách ly tập trung, Quý Ông Bà và Anh Chị Em vẫn giữ những sinh hoạt đạo đức như đọc kinh kính Lòng Chúa thương xót, lần hạt Mân Côi. Những sinh hoạt đạo đức này vừa nuôi dưỡng Đức tin, vừa giúp chúng ta tìm được bình an giữa mọi thử thách gian nan.

Qua thư này, tôi bày tỏ tâm tình hiệp thông với Cha xứ và Anh Chị Em, đồng thời khẳng định với Anh Chị Em, tôi luôn cầu nguyện cho Cộng đoàn Giáo xứ Phú Đa, đang trải qua những ngày khó khăn. Đặc biệt, tôi cầu nguyện cho những người dương tính với Covid-19, xin Chúa ban ơn chữa lành để họ sớm bình phục. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh nữ Maria và Thánh cả Giuse, xin Chúa ban ơn cho Cha xứ và mọi người sức khoẻ, niềm vui và bình an.

+Giuse Vũ Văn Thiên
Tổng Giám mục Hà Nội

——————-

Được biết, sau khi ghi nhận trường hợp ông T.V.Đ. ở thôn 3 Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân ( thuộc Giáo họ Tân Phú – Giáo xứ Phú Đa) mắc Covid-19 vào ngày 15-5 và chưa xác định được nguồn lây. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy đã yêu cầu thực hiện cách ly xã hội toàn xã Công Lý theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 16-5.

Trong khi đó, vào lúc 22 giờ 30 phút đêm 15-5 đã có kết quả xét nghiệm của các trường hợp F1 của bệnh nhân Đ, có vợ và một người thân ở thôn 1 Phú Đa đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, các ca mắc Covid 19 ghi nhận đều là giáo dân của Giáo họ Tân Phú – Giáo xứ Phú Đa. Như vậy, tính đến đêm ngày 15-5, đã ghi nhận 3 ca bệnh Covid-19 tại xã Công Lý.

Theo đó, bà con giáo dân của Giáo họ Tân Phú và Giáo xứ Phú Đa (theo địa dư hành chính thuộc xóm 1, 2, 3 – thôn Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) sẽ thực hiện cách ly xã hội từ 0h ngày 16/05/2021.

Đến ngày 26/5 phát hiện tổng cộng 18 trường hợp dương tính với Covid. 500 người là F1 được cách ly tại Bệnh viện Bạch Mai 2 và Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân. Hơn 1000 người là F2 được cách ly tại nhà.

Điều tra dịch tễ cho thấy, ông T.V.Đ. là trường hợp F2 của BN2899 ở xã Đạo Lý vì tiếp xúc trực tiếp với ông T.M.T., trú tại thôn 1 Phú Đa, xã Công Lý là trường hợp F1 của bệnh nhân BN2899, trường hợp siêu lây nhiễm trú ngụ tại xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam.


Nguồn bài viết: Tại Đây

ĐTC sẽ kết thúc tháng “Marathon cầu nguyện” đọc kinh Mân Côi tại Vườn Vatican

 Hôm nay ngày 31/5, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự giờ đọc kinh Mân Côi tại Vườn Vatican nhân dịp kết thúc tháng “Marathon cầu nguyên” cho đại dịch Covid-19 chấm dứt và cầu cho các hoạt động xã hội và công việc trên thế giới được tiếp tục lại. Đức Thánh Cha yêu cầu đặt ảnh Đức Mẹ “Đấng tháo gỡ mọi nút thắt” trong buổi cầu nguyện trong Vườn Vatican, nơi sẽ là một đền thánh ngoài trời cho dịp này.

ĐTC sẽ kết thúc tháng “Marathon cầu nguyện” đọc kinh Mân Côi tại Vườn Vatican


Đức Mẹ “Đấng tháo gỡ mọi nút thắt”

Đức Thánh Cha luôn có lòng sùng kính mạnh mẽ đối với bức ảnh có nguồn gốc từ thánh phố Augsburg của Đức. Bức tranh có từ thế kỷ 18 cho thấy Đức Trinh Nữ Maria đang tháo các nút thắt trong một dải ruy băng trắng được hai thiên thần nắm giữ, được bao quanh bởi các cảnh trong Kinh Thánh thể hiện niềm hy vọng, lòng thương xót và chiến thắng sự ác.

Đức cha Bertram Johannes Meier, Giám mục đương nhiệm của Augsburg, sẽ mang một bản sao của bức tranh gốc đến Roma cho sự kiện vào ngày 31/5; sau đó bức ảnh sẽ được tặng cho Đức Thánh Cha. Đức cha Meier sẽ dẫn đầu cuộc rước trọng thể để mở đầu buổi cầu nguyện, đặt bức ảnh ở một địa điểm trong Vườn Vatican.

Trong thông cáo, Hội đồng Tòa Thánh cổ võ tái truyền giảng Tin Mừng – cơ quan tổ chức “Marathon cầu nguyện” – lưu ý rằng Đức Thánh Cha và các tín hữu sẽ được trình bày với một “góc nhìn độc đáo”, với Mái vòm của đền thờ thánh Phê-rô được thắp sáng như để bảo vệ thành phố Roma, “biểu tượng của tất cả các thành phố trên thế giới.”

5 ý cầu nguyện – 5 nút thắt cần được tháo gỡ

Đức Thánh Cha đã chọn 5 ý cầu nguyện đặc biệt – 5 “nút thắt” cần được tháo gỡ – cho buổi cầu nguyện kết thúc. Thứ nhất là “mối quan hệ bị tổn thương, sự cô đơn và sự thờ ơ”, những thứ đã trở nên tồi tệ hơn trong đại dịch.

Thứ hai là tình trạng thất nghiệp, đặc biệt là những thách đố đối với người trẻ, phụ nữ và những người cha trong gia đình, cũng như những doanh nhân đang phải bênh vực và bảo vệ nhân viên của họ.

Thứ ba là “bi kịch bạo lực, đặc biệt là bạo lực bắt nguồn từ gia đình, bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực xuất phát từ căng thẳng xã hội đang trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc khủng hoảng hiện nay.”

Ý cầu nguyện thứ tư của Đức Thánh Cha liên quan đến “sự tiến bộ của con người”, điều cần được hỗ trợ bởi nghiên cứu khoa học theo cách mà tất cả mọi người có thể tiếp cận được những khám phá, “đặc biệt là những người yếu nhất và nghèo nhất”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha sẽ cầu nguyện cho việc chăm sóc mục vụ, để các cộng đoàn Công giáo có thể có lại sự nhiệt tình của họ và cảm thấy một động lực mới trong tất cả các lĩnh vực của đời sống mục vụ; và những người trẻ có thể kết hôn, xây dựng gia đình và tương lai.

Các đền thánh kết nối, đại diện cho toàn thế giới

Vào cuối giờ cầu nguyện, Đức Thánh Cha sẽ long trọng đội triều thiên cho ảnh của Đức Maria, “Đấng tháo gỡ mọi nút thắt”.

Buổi đọc kinh Mân Côi với Đức Thánh Cha sẽ được truyền hình trực tiếp qua tất cả các kênh truyền thông của Vatican, bao gồm Đài phát thanh Vatican và trang web Vatican News, Youtube Vatican News, và người khiếm thính có thể tham dự thông qua việc phiên dịch sang Ngôn ngữ ký hiệu Ý (LIS).  

Một nhóm các đền thánh Đức Mẹ từ khắp nơi trên thế giới sẽ được kết nối với Roma trong buổi đọc kinh Mân Côi, bảo đảm cho sự đại diện trên toàn thế giới. Các đền thánh sau đây sẽ tham gia: Đức Bà Boulogne ở Pháp; Đức Mẹ Schoenstatt ở Đức; Đức Mẹ Sầu Bi ở Rwanda; Đền thờ Quốc gia Maipú ở Chile; Đức Bà Os Gozos ở Tây Ban Nha; Đức Mẹ Lộ Đức ở Carfin, Scotland; Đức Trinh nữ của các phép lạ ở Caacupé, Paraguay; và giáo xứ đền thánh Đức Mẹ Sức Khỏe ở La Spezia, Ý. 

Hồng Thủy – Vatican News

Hình ảnh - Giáo xứ Bích Trì tôn vinh Mẹ Maria khai mạc tháng hoa

Hình ảnh - Giáo xứ Bích Trì tôn vinh Mẹ Maria khai mạc tháng hoa
Hình ảnh - Giáo xứ Bích Trì tôn vinh Mẹ Maria khai mạc tháng hoa


Chúa nhật ngày 02/5/2021, giáo xứ Bích Trì tổ chức khai mạc tháng hoa tôn vinh Đức Mẹ với chương trình dâng hoa và cung nghinh Mẹ xung quanh khuôn viên giáo xứ. Toàn thể cộng đoàn cùng sốt sắng dâng lên Mẹ tâm tình yêu mến cùng với ước nguyện qua lời chuyển cầu của Mẹ, xin Chúa xót thương cho đại dịch Covid-19 sớm được chấm dứt.

Bài Tiêu Biểu

- Copyright © Giáo xứ bích trì - Blogger Templates - Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -