Archive for tháng 2 2021

28/02/21 Chúa Nhật Tuần II Mùa Chay

28/02/21 Chúa Nhật Tuần II Mùa Chay

28/02/21 Chúa Nhật Tuần II Mùa Chay

 

BÀI ĐỌC I: St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18

“Của hiến tế của Abraham Tổ phụ chúng ta”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa thử Abraham và nói với ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông đáp lại: “Dạ, con đây”. Chúa nói: “Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi”.

Khi hai người đến nơi Chúa đã chỉ, Abraham làm một bàn thờ và chất củi lên, rồi trói Isaac lại, đặt lên bàn thờ trên đống củi. Abraham giơ tay lấy dao để sát tế con mình. Bấy giờ thiên thần Chúa từ trời gọi ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông thưa lại: “Dạ, con đây”. Người nói: “Đừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta”. Abraham ngước mắt lên, thấy sau lưng mình có con cừu đực đang mắc sừng trong bụi cây, Abraham liền bắt nó và tế lễ thay cho con mình. Thiên thần Chúa gọi Abraham lần thứ hai và nói rằng: “Chúa phán: Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành của quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta”.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 115, 10 và 15. 16-17. 18-19

Đáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (Tv 114, 9).

Xướng:

1) Tôi đã tin cậy ngay cả trong lúc tôi nói: “Tấm thân tôi trăm phần khổ cực!” Trước mặt Chúa thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. – Đáp.

2) Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. – Đáp.

3) Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài, trong nơi hành lang nhà Chúa, ở giữa lòng ngươi, Giê-rusalem hỡi! – Đáp.

 

BÀI ĐỌC II: Rm 8, 31b-34

“Thiên Chúa không dung tha chính Con mình”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta? Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao? Ai sẽ tố cáo những kẻ Chúa chọn? (Chẳng lẽ là) chính Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án? (Chẳng lẽ là) Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, cũng đang biện hộ cho chúng ta?

Đó là lời Chúa.

 

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Mt 17, 5

Từ trong đám mây sáng chói, có tiếng Chúa Cha phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.

 

PHÚC ÂM: Mc 9, 1-9 (Hl 2-10)

“Đây là Con Ta rất yêu dấu”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”

Đó là lời Chúa.

27/02/21 Thứ Bảy Tuần I Mùa Chay

 

27/02/21 Thứ Bảy Tuần I Mùa Chay
27/02/21 Thứ Bảy Tuần I Mùa Chay

BÀI ĐỌC I:  Đnl 26, 16-19

“Để ngươi trở thành dân thánh của Chúa là Thiên Chúa ngươi”.

Trích sách Đệ Nhị Luật.

Môsê đã nói với dân chúng rằng: “Hôm nay Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho ngươi phải thi hành các lề luật và các huấn lệnh này; ngươi phải tuân giữ và thực thi các điều đó hết lòng và hết tâm hồn. Hôm nay ngươi đã chọn Chúa làm Thiên Chúa, thì hãy bước đi trong đường lối Người, tuân giữ các lề luật, giới răn và huấn lệnh của Người; hãy vâng lệnh Người. Hôm nay Chúa đã chọn ngươi làm dân riêng Chúa, như Người đã phán với ngươi, thì ngươi hãy tuân giữ mọi giới răn của Người. Người sẽ làm cho ngươi được vinh quang, thanh danh và huy hoàng hơn mọi dân tộc Người đã tạo dựng, để ngươi trở thành dân thánh của Chúa là Thiên Chúa ngươi, như Người đã phán”.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA:  Tv 118, 1-2. 4-5. 7-8

Đáp: Phúc cho những ai tiến thân trong Luật pháp của Chúa (x. c. 1b).

Xướng: 

1) Phúc cho những ai theo đường lối tinh toàn, họ tiến thân trong Luật pháp của Chúa. Phúc cho những ai giữ lời Ngài nghiêm huấn, những người đó tận tâm kiếm tìm Ngài. –  Đáp.

2) Phần Chúa, Ngài ban bố những huấn lệnh, cốt để người ta tuân giữ hết sức ân cần. Nguyện cho đường lối của con vững chắc, để tuân giữ các thánh chỉ của Ngài. –  Đáp.

3) Con ca tụng Chúa với lòng đoan chính, khi học hỏi những thánh dụ của Ngài. Thánh chỉ của Chúa, con tuân giữ, xin Chúa đừng triệt để bỏ rơi con! –  Đáp.

 

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM:  Am 5, 14

Các ngươi hãy tìm điều lành, chớ đừng tìm điều dữ, để các ngươi được sống và Chúa sẽ ở cùng các ngươi.

 

PHÚC ÂM:  Mt 5, 43-48

“Các ngươi hãy nên trọn lành như Cha các ngươi trên trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe dạy: Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con; hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con, để như vậy các con nên con cái của Cha các con, Đấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm như thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm thế ư? Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo”.

Đó là lời Chúa.

26/02/21 Thứ Sáu Tuần I Mùa Chay

26/02/21 Thứ Sáu Tuần I Mùa Chay

26/02/21 Thứ Sáu Tuần I Mùa Chay



 BÀI ĐỌC I:  Ed 18, 21-28

“Có phải Ta muốn kẻ gian ác phải chết, chớ không muốn nó bỏ đàng tội lỗi và được sống ư?”

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Đây Chúa là Thiên Chúa phán: “Nếu kẻ gian ác ăn năn sám hối mọi tội nó đã phạm, tuân giữ mọi giới răn của Ta, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ sống chớ không phải chết. Ta sẽ không nhớ lại mọi tội ác nó đã phạm: nó sẽ sống nhờ việc công chính mà nó đã thực hành! Chúa là Thiên Chúa phán: “Có phải Ta muốn kẻ gian ác phải chết, chớ không muốn nó bỏ đàng tội lỗi và được sống ư?

Còn nếu kẻ công chính bỏ đàng công chính, và phạm tội ác cách ghê tởm như người gian ác quen phạm, có phải nó được sống ư? Chẳng ai còn nhớ đến mọi việc công chính nó đã thực hiện, vì sự bất trung nó đã làm và tội lỗi nó đã phạm, nó sẽ phải chết.

Các ngươi nói rằng: ‘Đường lối của Chúa không chính trực’. Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại đường lối của các ngươi không chính trực? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết, chính vì tội ác nó phạm mà nó phải chết. Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết”.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA:  Tv 129, 1-2. 3-4ab. 4c-6. 7-8

Đáp: Nếu Chúa con nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? (c. 3)

Xướng:

1) Từ vực sâu, lạy Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu; dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con. –  Đáp.

2) Nếu Chúa con nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu. –  Đáp.

3) Tôi hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn tôi trông cậy ở lời Ngài. Linh hồn tôi mong đợi Chúa tôi, hơn người lính gác mong trời rạng đông. –  Đáp.

4) Hơn lính gác mong hừng đông dậy, Israel đang mong đợi Chúa tôi:  Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ. Và chính Ngài sẽ giải thoát Israel cho khỏi mọi   điều gian ác.- Đáp.

 

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM:  Ga 11, 25a và 26

Chúa phán: “Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời”.

 

PHÚC ÂM:  Mt 5, 20-26

“Hãy đi làm hoà với người anh em ngươi trước đã”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu. Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!”

Đó là lời Chúa.

Kỷ Niệm 100 Năm Tái Lập Quan Hệ Ngoại Giao Giữa Tòa Thánh Và Pháp

 

Kỷ Niệm 100 Năm Tái Lập Quan Hệ Ngoại Giao Giữa Tòa Thánh Và Pháp

 

Kỷ niệm 100 năm tái lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Pháp
Kỷ niệm 100 năm tái lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Pháp

Năm 2021 này, Pháp và Tòa Thánh kỷ niệm 100 năm ngày nối lại quan hệ ngoại giao đã bị phá vỡ sau đạo luật về sự tách biệt giữa Giáo hội và nhà nước, được chính phủ Pháp ban hành năm 1905. Trong 17 năm, từ 1904 đến 1921, Pháp không có đại sứ cạnh Tòa thánh. Đây là một sự đổ vỡ lịch sử liên quan đến chiều dài và chiều sâu của mối quan hệ được rèn giũa giữa Giáo hội và Pháp, nước được xem là “trưởng nữ” của Giáo hội.

Tòa Thánh và Pháp đã có quan hệ ngoại giao từ rất lâu đời, được bắt đầu dưới chế độ quân chủ. Từ thế kỷ 16 – chính xác là dưới thời trị vì của vua François đệ nhất – Pháp đảm bảo có một đại sứ thường trú cư trú tại Roma; truyền thống này sẽ kéo dài cho đến năm 1905, năm xảy ra sự đổ vỡ.

Những xung đột 

Những xung đột đầu tiên bắt đầu từ những năm 1880, khi nền đệ tam Cộng hòa thông qua một loạt luật gây bất lợi cho Giáo hội Công giáo và các tổ chức của Giáo hội. Trước hết là luật về giáo dục học đường, tháng 3 năm 1880; nền đệ tam Cộng hòa cho rằng giáo dục công không nên đề cập đến tôn giáo nữa.

Tranh chấp thứ hai liên quan đến tình hình của các dòng tu, và đặc biệt là những dòng có vai trò trong việc giảng dạy. Chính phủ đưa ra luật về quyền tự do tập họp vào tháng 7 năm 1901; theo luật này, các dòng tu muốn hiện hữu cần phải có phép. Trong khi đó, các quan chức Bộ Nội vụ đang xem xét kỹ lưỡng hồ sơ của các dòng tu hiện có và loại bỏ những dòng tu chưa yêu cầu tái cấp phép vào ngày luật định. Sau đó là ​​những vụ trục xuất các tu sĩ.

Năm 1904, với luật “petit Père Combes” nổi tiếng, không có dòng tu nào được phép dạy học nữa. Cùng năm đó, Đại sứ Pháp cạnh Tòa thánh được triệu hồi. Trong 17 năm, trụ sở của Đại sứ quán Pháp tại Roma bị bỏ trống.

Và cuối cùng là luật về việc tách biệt Giáo hội và Nhà Nước được ban hành vào tháng 12 năm 1905. Với luật năm 1905, sự tách biệt là hoàn toàn. Nhà nước không còn can thiệp vào công việc của Giáo hội, và Giáo hội cũng không can thiệp vào công việc của Nhà nước.

Bối cảnh áp dụng các đạo luật

Theo cha Bernard Ardura, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử, để hiểu rõ những gì đã xảy ra vào năm 1880 liên quan đến các dòng tu – bao gồm các dòng lớn và các dòng mới được thành lập -, cần phải nhớ rằng Cộng hòa Pháp chỉ đang áp dụng, bằng cách áp dụng cứng rắn hơn, luật có từ thời Chế độ cũ (trước cuộc Cách mạng Pháp vào năm 1789): ở Pháp , các tu sĩ chỉ có thể hiện hữu với điều kiện nhận được thư cho phép của nhà vua, của Hội đồng Nhà nước (tham chính viện) hoặc Nghị viện. Chính vì lý do này mà vào năm 1880, chính phủ đã ra lệnh giải thể các dòng tu không có sự hiện hữu hợp pháp này.

Vào năm 1880, các cộng đoàn bị giải thể nhưng tài sản vẫn thuộc về quyền sở hữu cá nhân của họ. Trong khi đó vào năm 1905, sẽ có một cuộc cướp sạch hoàn toàn. Nó sẽ bắt đầu với các tu sĩ vào năm 1903; Nhà nước Pháp dùng quân lính trục xuất tất cả những người không được nhìn nhận về pháp lý. Do đó, trào lưu bài giáo sĩ gia tăng và dần dần mạnh mẽ hơn. Khi đó Đức Giáo hoàng Lêô XIII rất được lòng dân chúng, nhưng điều đó không ngăn cản một phong trào rất mạnh mẽ, trong đó Hội Tam điểm đang hoạt động. (…). Và sau đó, năm 1905 đánh dấu sự tan vỡ của quan hệ ngoại giao.

Giáo hội thích ứng với hoàn cảnh

Tòa Thánh chứng kiến sự biến chuyển đó và khuyến khích các tu sĩ làm những gì có thể để tiếp tục sứ mệnh của họ theo cách mà họ cho là phù hợp nhất. Chính vì thế nhiều nữ tu giáo chức đã bỏ tu phục để tiếp tục giảng dạy trong trường học.

Đây cũng là thời điểm các tín hữu thể hiện một sự liên đới và quảng đại phi thường; họ là  những người sẽ giúp Giáo hội có lại được các tài sản. Đó vừa là thời kỳ đau khổ dữ dội sẽ chia rẽ xã hội Pháp, đồng thời cũng là thời điểm thi đua và dấn thân rất mạnh mẽ của các tín hữu.

Khó khăn ngoại giao của Pháp

Sự tan vỡ gây ra nhiều khó khăn đặc biệt là trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Việc không thể chính thức hội đàm với Đức Giáo hoàng, hoặc ít nhất là với Quốc vụ khanh Tòa Thánh hoặc các thành viên của Giáo triều Roma, đã bị một số đảng viên Cộng hòa coi là một khuyết điểm. Nước Pháp muốn có tiếng nói của mình tại Vatican.

Chiến tranh thế giới thứ nhất: cơ hội hòa giải

Chiến tranh thế giới thứ nhất đã dẫn đến một mối quan hệ hợp tác. Ví dụ, các tu sĩ, những người lưu vong ở Bỉ, Thụy Sĩ, Ý, Tây Ban Nha và Anh, vào thời khắc chiến tranh được tuyên bố, họ tự động trở về Pháp để cầm vũ khí và bảo vệ quê hương. Như vậy, trong suốt 4 năm chiến tranh, trong chiến hào, những người cộng sản, chủ nghĩa xã hội, cấp tiến, Tam điểm, linh mục giáo phận, chủng sinh, chiến binh Công giáo tiến hành họp lại với nhau. Và khi chiến tranh kết thúc, điều đó đã biến thành tình bạn vô cùng bền chặt, vốn được đóng ấn trong máu, trong sự sợ hãi và chiến đấu.

Chiến tranh đã mang lại những thay đổi quan trọng ở nhiều cấp độ khác nhau. Thứ nhất, người ta thấy có sự trở lại của người Công giáo với đời sống chính trị sau khi họ đã bị loại trừ phần lớn. Năm 1919, các ứng cử viên Công giáo đã đạt được một số thành công trong cuộc bầu cử lập pháp. Trong số 600 đại biểu được bầu vào Hạ viện, 180 người tự nhận là Công giáo và ủng hộ việc áp dụng vừa phải các luật thế tục.

Sau hiệp định đình chiến, đa số phe Cộng hòa tin rằng đã đến lúc lên tiếng yêu cầu áp dụng các luật thế tục mang tính hòa giải hơn; việc tái lập quan hệ với Tòa thánh phù hợp với logic này. Có thể nói rằng tất cả các điều kiện bên ngoài đã sẵn sàng cho một sự hòa giải thực sự.

Những quan tâm chung của Vatican và Pháp

Bên cạnh những điểm tranh chấp, Vatican và Paris cũng có những điểm chung. Họ có những mối quan tâm chung; một số quan tâm thuộc về chính trị, còn những quan tâm khác về cơ bản là tôn giáo. Trong số các quan tâm chính trị, chúng ta có sự ủng hộ đối với Ba Lan và điều này là vô cùng quan trọng sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ngoài ra còn có tương lai của vùng sông Rhine, bởi vì ở đó có một phần lớn ngành công nghiệp chế tạo máy móc chiến tranh.

Sau Thế chiến thứ nhất, trong số những biến động mà thế giới phải trải qua, có sự biến mất của Đế chế Ottoman; và tất cả các lãnh thổ từng thuộc về nó, đặc biệt là ở Trung Đông, sẽ trở thành mối quan tâm lớn đối với Tòa thánh và cả nước Pháp. Vấn đề về chế độ bảo hộ Ki-tô hữu ở Trung Đông có liên quan đến điều này. Do đó, Pháp và Tòa thánh sẽ phải đi đến một thỏa thuận để bảo vệ các cộng đoàn Ki-tô đa dạng về nghi lễ, nguồn gốc và văn hóa này.

iếp đến là vấn đề lựa chọn các giám mục, cũng như các xứ truyền giáo. Ví dụ, khi nước Đức bị mất các thuộc địa – như Togo, Camerun và Tanganyka (sau này là Tanzania), vào tay người Anh và người Pháp, các nhà truyền giáo Đức ra đi sẽ làm phát sinh thêm một khoản đầu tư từ các nhà truyền giáo Pháp. Trước sự biến động hoàn toàn này, Nhà nước thực dân và Tòa Thánh cũng phải đi đến một thỏa thuận ở đây.

Thánh nữ Jeanne d’Arc

Điều cuối cùng sẽ đóng ấn sự hòa giải đó là một người nữ: thánh nữ Jeanne d’Arc. Trong lễ phong thánh cho ngài, lần đầu tiên chính phủ Pháp cử một đại sứ đặc biệt: thành viên hàn lâm viện Gabriel Hanoteaux. (…)

Bắt đầu tiến trình tái lập ngoại giao

Ngày 20 tháng 5 năm 1920, Đức Biển Đức XV tiếp ông Hanoteaux, và cả hai cùng thảo luận về vấn đề nối lại quan hệ ngoại giao. Vào ngày 30 tháng 11, Hạ viện bỏ phiếu ngân sách cho việc mở lại đại sứ quán ở Roma và ông Charles Jonnard sẽ được bổ nhiệm làm đại sứ đầu tiên vào ngày 17 tháng 5 năm 1921. Đại sứ quán của Pháp cạnh Tòa Thánh được mở lại với một thỏa thuận về hai điểm: duy trì luật thế tục (tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước) và một thỏa thuận về sự lựa chọn của các giám mục sẽ được thực hiện như thế nào.

Áp dụng luật thế tục để phục vụ ích chung

Cha Ardura nhận định rằng luật tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước như một nguyên tắc đã là một thực tế được chấp nhận trong hơn một thế kỷ. Nhưng ngày nay, điều quan trọng là những thuận tiện mà chúng ta đề xuất. Lấy ví dụ về luật tách biệt này. Những luật này được thực hiện cho một mục đích rất cụ thể, nhưng tất cả các tôn giáo không nên phải gánh chịu hậu quả. Như Đức Hồng Y Parolin đã nói, một luật mới không nên tạo ra những khó khăn mới. Do đó, chúng ta phải xem, trên tinh thần tham vấn, làm thế nào để phục vụ lợi ích chung một cách tốt nhất. Năm 1905, mọi thứ được thực hiện trong bầu không khí xung đột, ngày nay mọi thứ phải được thực hiện để đảm bảo rằng điều này xảy ra trong sự hợp tác, trong một bầu không khí hòa bình.

Hồng Thủy – Vatican News

Tứ Chung

 Tứ chung là cách nói quen thuộc của người Kitô hữu về điều sau cùng của cuộc đời trần thế, bao gồm SỰ CHẾT, PHÁN XÉT, THIÊN ĐÀNG VÀ HỎA NGỤC. Bốn đìều sau cùng này nhắc nhở người Kitô hữu về thân phận hữu hạn của con người ở cõi đời và về sự bất tử của linh hồn sau khi chết. Trong niềm tin của người Kitô Hữu, chính Chúa Giêsu đã biến đổi cái chết từ chỗ là lời nguyền rủa thành lời chúc lành.

Lm. Trịnh Đức Hòa, Dòng Chúa Cứu Thế
Lm. Trịnh Đức Hòa, Dòng Chúa Cứu Thế


Tất cả mọi chọn lựa công khai trong hành động hay ẩn khuất trong tâm ý, cùng với những hệ quả của nó sẽ được phơi trần trong cuộc phán xét riêng ngay sau khi linh hồn lìi khỏi xác và trong cuộc phán xét chung của ngày Chúa quang lâm để hoàn tất lịch sử cứu độ và triệt hạ các ác chủ của thế giới đen tối này.

Hỏa ngục là sự chọn lựa cắt lìa vĩnh viễn khỏi tình hiệp thông yêu thương và nguồn sống sung mãn của Thiên Chúa. Nếu con người có bất cứ một chọn lựa nào khác ngoài Thiên Chúa hay ngoài đường lối Thiên Chúa đều có nguy cơ đẩy linh hồn ra khỏi quỹ đạo chân chính mà sa vào vòng kềm tỏa của bóng tối và sự dữ.

Luyện hình là một tiến trình thanh luyện cần thiết cho linh hồn nào còn chưa thánh thiện đủ, chưa ăn năn đủ để được xứng đáng giáp mặt với Thiên Chúa trong vinh quang Thiên Quốc.

Thiên Đàng chính là quê hương chân thật và vĩnh cữu mà Thiên Chúa mong muốn cho mọi người sau khi chấm dứt hành trình trần thế được sống trước Nhan Thánh vinh hiển và hạnh phúc bất tận của Thiên Chúa.


Phần 1

Phần 2

Phần 3

Phần 4

Đại dịch khiến ngân sách năm 2021 của Tòa Thánh sẽ bị thâm hụt

 Chiều ngày 18/2 Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê duyệt ngân sách năm 2021 của Tòa Thánh. Theo một tuyên bố từ Văn phòng Báo chí Tòa thánh, đại dịch đẩy ngân sách năm 2021 của Vatican vào thâm hụt, cụ thể là khoảng 49,7 triệu euro.

Đại dịch khiến ngân sách năm 2021 của Tòa Thánh sẽ bị thâm hụt
Đại dịch khiến ngân sách năm 2021 của Tòa Thánh sẽ bị thâm hụt


Ngân sách năm 2021 đã được Bộ Kinh tế đề nghị và được Hội đồng kinh tế chấp thuận. Theo ngân sách này, trong năm 2021, dự kiến với tổng doanh thu là 260,4 triệu euro và tổng chi phí là 310,1 triệu euro, Tòa thánh sẽ thâm hụt 49,7 triệu euro.

Ngân sách kết hợp Quỹ Đồng tiền thánh Phê-rô và tất cả các Quỹ được dành riêng khác

Như Đức Thánh Cha đã yêu cầu, đây là lần đầu tiên, với mục đích cho biết rõ và minh bạch hơn các giao dịch kinh tế của Tòa thánh, Ngân sách năm 2021 kết hợp Quỹ Đồng tiền thánh Phê-rô và tất cả các Quỹ được dành riêng khác.

Từ các quỹ này, với khoản thu dự kiến 47,3 triệu euro và khoản chi trợ cấp 17 triệu euro, Tòa thánh dự kiến số dư ròng là 30,3 triệu euro từ các khoản đó.

Thông cáo của Tòa Thánh lưu ý rằng, nếu không bao gồm Quỹ Đồng tiền thánh Phê-rô và tất cả các Quỹ được dành riêng khác, thâm hụt của Tòa thánh sẽ là 80 triệu euro vào năm 2021.

Điều chỉnh các chi phí

Thông cáo cho thấy thu nhập từ hoạt động kinh doanh giảm 21% (khoảng 48 triệu euro) so với năm 2019, do việc giảm các hoạt động thương mại, các dịch vụ và bất động sản cũng như các khoản tài trợ và đóng góp.

Đồng thời, ngân sách phản ánh một nỗ lực đáng kể trong việc kiểm soát chi tiêu, với chi phí hoạt động – không bao gồm chi phí nhân sự, giảm 14% (24 triệu euro) so với năm 2019.

Thông cáo khẳng định rằng “bảo đảm việc làm vẫn tiếp tục là một ưu tiên đối với Đức Thánh Cha trong những thời điểm khó khăn này.”

Phân phối nguồn lực

Thông cáo viết tiếp: “Nhất quán với sứ mạng của mình, phần lớn nguồn lực của Tòa Thánh vào năm 2021 sẽ được dành để duy trì các hoạt động Tông đồ, với 68% tổng chi phí.” Trong khi đó “17% được phân bổ cho việc quản lý tài sản, và 15% cho các hoạt động quản lý và dịch vụ.”

Thông cáo kết luận rằng nếu mức đóng góp vẫn như dự kiến, khoản thâm hụt sẽ được giải quyết bằng một phần dự trữ của Tòa thánh.

Hồng Thủy – Vatican News

Giáo phận Trondheim của Nauy cử hành lễ Tro dưới trời tuyết

Đức Giám mục của giáo phận Trondheim ở Na Uy đã chủ sự lễ Tro ngoài trời, dưới trời tuyết, để càng nhiều người tham dự càng tốt. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm ngoái một Thánh lễ được tổ chức tại thành phố này có hơn 10 người tham dự.
Giáo phận Trondheim của Nauy cử hành lễ Tro dưới trời tuyết
Giáo phận Trondheim của Nauy cử hành lễ Tro dưới trời tuyết


Từ ngày 12/3 năm ngoái, để tránh lây nhiễm virus corona, Na Uy chỉ cho phép tối đa 10 người tham dự mỗi Thánh lễ, cũng như các cử hành khác trong nhà thờ. Do đó, để cho nhiều tín hữu có thể tham dự Thánh lễ đầu Mùa Chay, Đức cha Erik Varden đã quyết định cử hành bên ngoài nhà thờ dù giữa mùa đông.

Giữa trời đông giá lạnh, khoảng 100 tín hữu Công giáo của giáo phận Trondheim đã quy tụ tại quảng trường thánh Gioan Phaolô II để tham dự lễ Tro do Đức cha Varden cử hành.

“Chay” Thánh lễ trong một năm đại dịch

Đức cha giải thích: “Chúng tôi đã sống một loại ‘chay’ (Thánh lễ) gần một năm.” Và ngài nhấn mạnh rằng sáng kiến này không phải là một sự phản đối mà là để đáp ứng một nhu cầu. Ngài nói: “Nhiều người nhận thấy những hạn chế này gây đau đớn và thất vọng, mặc dù đồng thời họ nhận ra rằng chúng cần thiết để ngăn chặn đại dịch và vì vậy họ tuân thủ. Khi thành phố cho phép cử hành Thánh lễ ngoài trời ở quảng trường trước nhà thờ, tôi cảm thấy an ủi khi biết nhiều tín hữu đã cố gắng để giành lấy 10 chỗ ngồi đó, với mong muốn bắt đầu hành trình Mùa Chay hướng tới Lễ Phục sinh với Thánh lễ. Và vì vậy vào hôm thứ Tư chúng tôi đã bất chấp giá lạnh.”

Tro và tuyết

Thánh lễ kéo dài khoảng một tiếng. Số người được phép đến quảng trường tham dự Thánh lễ là 100. Trước Thánh lễ, Đức cha đã nhắc nhở các tín hữu giữ khoảng cách. Những ngọn đuốc, được đặt trong tuyết để đóng khung khu vực cử hành lễ, cũng giúp mang lại ánh sáng và hơi ấm cho những người tham dự đang chịu gió lạnh. Vào thời điểm xức tro, trời bắt đầu có tuyết, và trong khi vị giám mục đi từ tín hữu này sang tín hữu khác, rắc tro trên đầu, những bông tuyết lặng lẽ từ trời rơi xuống.

Thiên Chúa luôn trung thành

Trong bài giảng rất ngắn, vì trời giá lạnh, Đức cha nhắc rằng “Thiên Chúa luôn trung thành. Người không đầu hàng ngay cả khi chúng ta bất trung. Người nhìn thấy hạt mầm thiện chí của chúng ta ngay cả khi nó dường như bị đông đá trong băng tuyết.”

Chúng tôi muốn ở bên nhau

Về năm vừa qua, Đức cha nói rằng “đó là một năm lạ thường nhưng cuộc sống bao gồm những điều không thể đoán trước được. Nó có thể là khó khăn, nhưng nó cũng là một cơ hội. Mọi cuộc khủng hoảng đều dẫn đến một cơ hội: nó làm cho mọi thứ rõ ràng hơn bằng cách loại bỏ những thứ dư thừa”…”Chúng ta đã học được ý nghĩa của việc trở thành một xã hội, chúng ta cần nhau và chúng ta muốn ở bên nhau.”

Vui mừng trước sự thành công của Thánh lễ Tro, Đức cha nói rằng trong chương trình không có Thánh lễ nào khác như Thánh lễ ​​này, nhưng ngài không loại trừ việc ngài sẽ tiếp tục cử hành Thánh lễ ngoài trời, nếu ngài thấy cần thiết.

Cuối lễ, Đức cha Varden đã cám ơn giáo dân và khuyên họ trở về nhà uống đồ nóng.

Hồng Thủy – Vatican News

Trung Quốc giật sập hàng loạt nhà thờ ở Tân Cương

 Nhà thờ Thánh Tâm ở thành phố Nghi Ninh, Trung Quốc đang bị bọn cầm quyền triệt hạ để lấy đất xây khu thương mại. Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, có bài tường trình sau.

Trung Quốc giật sập hàng loạt nhà thờ ở Tân Cương

Trung Quốc giật sập hàng loạt nhà thờ ở Tân Cương



Bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Yining’s Sacred Heart church to be torn down
Vương Chí Thành (Wang Zhicheng, 王志成)
Nhà thờ Thánh Tâm ở thành phố Nghi Ninh sắp bị triệt hạ

Kể từ hôm 19 tháng Hai, người Công Giáo ở Nghi Ninh (Yining, 义宁), Tân Cương (Xinjiang, 新疆) phải dọn sạch mọi thứ của nhà thờ Thánh Tâm. Theo lệnh của bọn cầm quyền địa phương, nhà thờ phải bị phá hủy. Một nguồn tin của Asia-News cho biết “có lẽ từ tuần tới, nhà thờ Công Giáo ở biên giới phía Tây Trung Quốc này sẽ tan thành cát bụi”.

Cộng đồng Công Giáo Nghi Ninh, ở huyện Y Lợi (Yili, 伊利) 700 km về phía tây của Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi, 乌鲁木齐), thủ phủ của Tân Cương, có khoảng 2 nghìn người – gồm những cựu tù bị phát vãng từ thời Đế chế nhà Thanh, và những tù nhân chính trị sau năm 1949 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cùng với những người nhập cư khác và những người bị giam giữ trong các trại lao động cưỡng bức trong khu vực.

Sự thật kỳ lạ là nhà thờ đang sở hữu tất cả các giấy phép cần thiết từ Cục Quản lý Tôn giáo mà vẫn bị triệt hạ. Được xây dựng vào năm 2000, các quan chức huyện Y Lợi và bọn cầm quyền ở Nghi Linh thậm chí đã tham dự lễ khánh thành và ca ngợi công trình này.

Bọn cầm quyền địa phương không tiết lộ lý do triệt hạ. Nhưng hầu hết người dân nghi ngờ rằng nhà thờ bị phá hủy để lấy đất xây dựng khu thương mại ở vị trí này. Trên thực tế, nhà thờ đứng dọc con đường dẫn đến sân bay và trong quy hoạch đô thị, con đường này sẽ ngày càng trở nên quan trọng.

Vấn đề là nơi đặt nhà thờ đã được bọn cầm quyền thành phố chọn vào năm 1993 vì nó cách xa trung tâm sinh sống và họ không muốn nhà thờ “quá lộ liễu”. Nhưng tất nhiên, theo thời gian, thành phố đã phát triển và khu đất đó giờ đây đã làm dấy lên sự thèm muốn của giới đầu cơ và bọn cầm quyền địa phương.

Vào năm 2018, nhà thờ đã vô cùng lo sợ: nhân danh chiến dịch “Trung Hoa hóa”, Văn phòng các vấn đề tôn giáo đã xóa bốn bức phù điêu trang trí mặt tiền, dỡ bỏ hai bức tượng của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô ở hai bên của tòa nhà, giật sập cây thánh giá trang trí đỉnh của nhà thờ, hai mái vòm và tháp chuông bị phá hủy vì quá “nổi bật”.

“Quá nổi bật” là cụm từ đã ám ảnh nhà thờ này ngay từ đầu. Dự án được trình lên bọn cầm quyền vào năm 1993 đã phải sửa đổi lại và kích thước của nhà thờ giảm đi 5 mét vì nó “quá cao”. Trong quá trình xây dựng vào năm 2000, các mái vòm được sơn màu sáng bị cho là “quá lòe loẹt” và bị buộc phải sơn lại bằng màu xám.

Các tín hữu tin rằng các Quy định đang bị lợi dụng với mục đích bóp nghẹt cuộc sống của các tín hữu Kitô. “Điều này – một người nói – xác nhận thêm rằng đất nước không tôn trọng tự do thờ phượng và lợi ích hợp pháp của các tín hữu”

Tình hình đối với Giáo hội tại Tân Cương đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013 và kể từ khi Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo, 陈全国) được đưa về làm bí thư tỉnh này. Y là người đã thề thi hành một chính sách “nhổ sạch” người Hồi giáo và tín hữu các tôn giáo khác.

Nhân danh thương mại hóa đất đai, ít nhất bốn nhà thờ khác đã bị phá hủy ở Tân Cương trong những năm gần đây: một nhà thờ ở Hà Mễ (Hami, 哈米), một nhà thờ ở Khuê Đốn (Kuitun, 奎顿) và hai nhà thờ ở Tháp Thành (Tacheng, 塔城). Tất cả đều có giấy phép, nhưng tất cả đã bị san thành bình địa mà không hề được bồi thường.

Cha sở của Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Tháp Thành đã bị bắt và biến mất gần hai năm qua. Giờ đây, mặc dù đã được trả tự do, nhưng ngài không được phép tham gia vào bất kỳ hoạt động tôn giáo nào.

Trong những năm gần đây, nhiều đền thờ Hồi Giáo cũng đã bị phá hủy dưới danh nghĩa “Trung Hoa hóa”. Người ta ước tính rằng ít nhất 16,000 đền thờ Hồi Giáo đã bị phá hủy hoặc hư hại.

Phương pháp phá hủy các nhà thờ và thánh giá, dưới chiêu bài xóa bỏ “vẻ nổi bật”, đã được Hạ Bảo Long (Xia Baolong, 夏宝龙) bí thư tỉnh ủy và là một người bạn lớn của Tập Cận Bình, khai trương vào năm 2014 tại Chiết Giang (Zhejiang, 浙江). Kể từ tháng 2 năm 2020, Long là người đứng đầu Văn phòng các vấn đề Hương Cảng và Macao.

Một linh mục thở dài với AsiaNews: “Chúng tôi tự hỏi chúng tôi còn phải chịu đựng thêm bao nhiêu nữa để Đức Giáo Hoàng và Vatican nhận ra sự ngược đãi chúng tôi phải chịu và sự vô ích của Thỏa thuận giữa Tòa thánh và Trung Quốc?”.

Đặng Tự Do

Tân Thủ tướng Ý trích lời ĐTC về trách nhiệm con người trong thảm họa môi trường

Tân Thủ tướng Ý trích lời ĐTC về trách nhiệm con người trong thảm họa môi trường
Tân Thủ tướng Ý trích lời ĐTC về trách nhiệm con người trong thảm họa môi trường


 Trong bài phát biểu đầu tiên của mình trước Hạ viện Ý hôm 17/2, khi đưa ra kế hoạch hướng dẫn nước Ý vượt qua đại dịch Covid-19, cũng như các thách thức sau đại dịch mà đất nước này chắc chắn sẽ phải đối mặt, bao gồm cả biến đổi khí hậu, Tân Thủ tướng của Ý, ông Mario Draghi, đã trích dẫn những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô về sự thất bại của nhân loại trong việc quan tâm đến môi trường.

Theo ông Draghi, sự nóng lên toàn cầu không chỉ có “ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sức khỏe của chúng ta, mà đất đai các thành phố lớn lấy đi của tự nhiên có thể là một trong những nguyên nhân lây truyền virus từ động vật sang người.” Ông nói thêm: “Như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói, ‘ Những thảm kịch tự nhiên là phản ứng của Trái đất đối với sự ngược đãi của chúng ta. Nếu bây giờ tôi hỏi Chúa rằng Ngài nghĩ gì, tôi không nghĩ rằng Ngài sẽ nói với tôi điều gì đó rất tốt. Chúng ta là những người đã phá hỏng công trình của Chúa!’”

Đây là lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong buổi tiếp kiến chung hồi tháng 4/2020, nhân dịp kỷ niệm Ngày Trái đất lần thứ 50, ngày được thành lập năm 1970 để nâng cao nhận thức và quan tâm của công chúng đối với môi trường và tác động của nó đối với sức khỏe con người và mọi sự sống.

Chính phủ liên minh của Thủ tướng Giuseppe Conte bị sụp đổ vì đảng Viva Italia rút khỏi liên minh sau khi không đồng ý với kế hoạch chi tiêu của Thủ tướng Conte để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính do đại dịch Covid-19. Tổng thống Ý Sergio Mattarella đã chọn ông Mario Draghi để lập chính phủ mới. Ông được nhiều người hoan nghênh như một lựa chọn tốt để đưa nước Ý thoát khỏi cuộc suy thoái kinh hoàng.

Ông Draghi là một nhà kinh tế nổi tiếng, đã giữ chức vụ Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu từ năm 2011-2019, và được xem là người đã cứu đồng tiền euro trong cuộc khủng hoảng nợ nần ở châu Âu khi một số quốc gia thành viên châu Âu không thể đăng ký lại các khoản nợ của chính phủ.

Ông Draghi là cựu học sinh dòng Tên, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm thành viên Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội vào tháng 7/2020.

Hồng Thủy – Vatican News

ĐTC Phanxicô cử hành lễ Tro: Mùa Chay là hành trình trở về với Chúa

Vào lúc 9:30 sáng thứ Tư 17/2/2021, lễ Tro, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại bàn thờ Ngai tòa trong đền thờ thánh Phê-rô. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu sống Mùa Chay như một cuộc hành trình trở về với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và cũng là cơ hội đào sâu tình yêu thương của chúng ta đối với các anh chị em.
ĐTC Phanxicô cử hành lễ Tro: Mùa Chay là hành trình trở về với Chúa
ĐTC Phanxicô cử hành lễ Tro: Mùa Chay là hành trình trở về với Chúa


Hàng năm, theo truyền thống, Đức Thánh Cha cử hành lễ Tro vào chiều thứ Tư lễ Tro tại vương cung thánh đường thánh Sabina của dòng Đaminh, trên đồi Avventino ở Roma. Trước Thánh lễ, Đức Thánh Cha thực hiện cuộc hành hương thống hối, đi bộ từ vương cung thánh đường thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến vương cung thánh đường thánh Sabina. Năm nay do đại dịch, Đức Thánh Cha không thực hiện nghi thức truyền thống này; trái lại, ngài cử hành Thánh lễ tại đền thờ thánh Phê-rô với sự tham dự giới hạn của khoảng hơn 100 tín hữu, như trong các Thánh lễ trong thời gian đại dịch.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có các Hồng y thuộc giáo triều Roma. Trong nghi thức xức tro, sau khi Đức Thánh Cha làm phép tro, Đức Hồng y Angelo Comastri, giám quản đền thờ thánh Phê-rô, đã bỏ tro cho Đức Thánh Cha, và sau đó Đức Thánh Cha đã bỏ tro cho các Hồng y.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu sống Mùa Chay như một cuộc hành trình trở về với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và cũng là cơ hội đào sâu tình yêu thương của chúng ta đối với các anh chị em. Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng như sau:

Mùa Chay là hành trình trở về với Chúa

Chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay. Mùa Chay được bắt đầu với lời của ngôn sứ Giô-en. Những lời này chỉ ra con đường chúng ta sẽ đi. Chúng ta nghe một lời mời gọi vang lên từ trái tim của Thiên Chúa; với vòng tay mở rộng và đôi mắt chờ mong Người tha thiết mời gọi chúng ta: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2,12). Trở về với Ta. Mùa Chay là một hành trình trở về với Thiên Chúa. Đã bao nhiêu lần khi bận bịu việc này việc kia hay dửng dưng, chúng ta đã nói với Chúa: “Lạy Chúa, con sẽ đến với Chúa sau… Con không thể đến hôm nay, nhưng ngày mai con sẽ bắt đầu cầu nguyện và làm điều gì đó cho tha nhân.” Và cứ thế ngày này qua ngày khác. Giờ đây Chúa đưa ra lời kêu gọi trái tim chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn luôn có những điều để làm và lý do để từ chối, nhưng bây giờ là thời gian trở về với Chúa.

Mùa Chay: thời gian phân định xem tâm hồn chúng ta đang hướng về đâu

Chúa nói: Hãy hết lòng trở về với Ta. Mùa Chay là hành trình bao gồm toàn bộ cuộc sống của chúng ta, toàn bộ con người chúng ta. Nó là thời gian để xem xét lại con đường chúng ta đang đi, để tìm con đường đưa chúng ta trở về nhà và tái khám phá tương quan sâu sắc của chúng ta với Thiên Chúa, Đấng mà mọi thứ phụ thuộc vào. Mùa Chay không chỉ là những hy sinh nhỏ bé mà chúng ta thực hiện, nhưng là phân định xem tâm hồn chúng ta đang hướng về đâu. Đây là trọng tâm của Mùa Chay. Chúng ta hãy tự hỏi: Hệ thống định vị của cuộc đời tôi đang đưa tôi đến đâu – về phía Chúa hay về phía chính tôi? Tôi có sống để làm đẹp lòng Chúa hay để được chú ý, khen ngợi và tìm kiếm địa vị? Có phải tôi đang có một trái tim “dao động”, tiến một bước rồi lùi lại một bước? Có phải tôi yêu Chúa một chút và thế gian một chút, hay lòng tôi vững vàng nơi Chúa? Có phải tôi bằng lòng với thói đạo đức giả của mình hay tôi đang cố gắng giải thoát trái tim mình khỏi sự giả hình và giả dối đang trói buộc nó?

Cuộc xuất hành từ tình trạng nô lệ đến tự do

Hành trình Mùa Chay là một cuộc xuất hành từ tình trạng nô lệ đến tự do. 40 ngày này tương ứng với 40 năm dân Chúa rong ruổi qua hoang địa để trở về quê hương xứ sở. Thật là khó biết bao để rời bỏ Ai Cập! Trong cuộc hành trình đó, luôn có một cám dỗ ao ước nuối tiếc những củ hành củ tỏi, quay lại đàng sau, bám víu lấy ký niệm của quá khứ hay thần tượng này ngẫu tượng kia. Điều này cũng xảy ra với chúng ta: hành trình trở về với Chúa của chúng ta cũng bị ngăn chặn bởi những bám víu không tốt, bị níu kéo lại bởi những cạm bẫy cám dỗ của tội lỗi, bởi sự an giả tạo của tiền bạc và sự hào nhoáng, bởi những than thở bất hành làm chúng ta tê liệt. Để bắt đầu hành trình này, chúng ta phải lột bỏ những ảo ảnh này.

Làm thế nào để chúng ta tiến bước trên hành trình trở về với Chúa? Những hành trình trở về được Lời Chúa thuật lại giúp cho chúng ta trong hành trình này.

Trở về với Chúa Cha

Chúng ta có thể nghĩ về đứa con hoang đàng và nhận ra rằng nó cũng là thời gian để chúng ta trở về với Chúa Cha. Giống như người con đó, chúng ta cũng đã quên đi mùi hương quen thuộc của ngôi nhà của mình, chúng ta đã lãng phí một gia sản quý giá vào những thứ tầm thường và cuối cùng chúng ta chỉ còn lại đôi bàn tay trắng và một trái tim bất hạnh. Chúng ta đã ngã xuống, giống như những đứa trẻ liên tục bị ngã; chúng ta giống những đứa bé đang cố gắng bước đi nhưng vẫn tiếp tục ngã và mỗi lần đều cần được người cha nâng dậy. Chính sự tha thứ của Chúa Cha luôn khiến chúng ta đứng dậy trên đôi chân của mình. Sự tha thứ của Thiên Chúa – bí tích Giải tội –  là bước đầu tiên trên hành trình trở về của chúng ta.

Trở về với Chúa Giêsu

Tiếp đến, chúng ta cần trở về với Chúa Giêsu, giống như người phong cùi, khi đã được chữa lành, đã trở lại để tạ ơn Người. Dù mười người đã được chữa lành, nhưng anh là người duy nhất được cứu, vì anh đã trở về với Chúa Giêsu (x. Lc 17, 12-19). Tất cả chúng ta đều có những bệnh tật về tâm linh mà chúng ta không thể tự chữa lành được. Tất cả chúng ta đều có những tội lỗi đâm rễ sâu mà chúng ta không thể tự nhổ bỏ chúng. Tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ hãi khiến chúng ta tê liệt mà chúng ta không thể tự mình vượt qua. Chúng ta cần noi gương người phong cùi đó, người đã trở lại với Chúa Giê-su và quỳ xuống dưới chân Người. Chúng ta cần sự chữa lành của Chúa Giê-su, chúng ta cần bày tỏ với Người những vết thương của mình và nói: “Lạy Chúa Giê-su, con đang ở trước mặt Chúa, với tội lỗi của con, với sự đau buồn của con. Chúa là thầy thuốc. Chúa có thể giải thoát con. Xin chữa lành trái tim con.”

Trở lại với Chúa Thánh Thần

Lời Chúa mời gọi chúng ta trở lại với Chúa Thánh Thần. Tro trên đầu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là cát bụi và chúng ta sẽ trở về với cát bụi. Tuy nhiên, trên hạt bụi chính chúng ta, Thiên Chúa đã thổi Thần khí sự sống của Người. Vì vậy chúng ta sẽ không còn sống cuộc sống chạy theo cát bụi, theo đuổi những thứ nay còn mai mất. Chúng ta hãy trở về với Chúa Thánh Thần, Đấng ban Sự Sống, trở về với Lửa thổi bùng tro tàn của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện một lần nữa với Chúa Thánh Thần và khám phá lại ngọn lửa ca ngợi, ngọn lửa thiêu rụi tro tàn của sự than thở và cam chịu.

Thiên Chúa đến trước với chúng ta

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, hành trình trở về với Thiên Chúa của chúng ta chỉ có thể thực hiện được bởi vì Người đã đến với chúng ta trước. Trước khi chúng ta đến với Chúa, Người đã đến với chúng ta. Người đi trước chúng ta; Người xuống trần gian để gặp chúng ta. Vì chúng ta, Người đã hạ mình xuống thấp hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng: Người trở nên tội nhân, chịu chết. Vì vậy thánh Phao-lô nói với chúng ta, “Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2 Cr 5,21). Để không bỏ rơi chúng ta nhưng để đồng hành cùng chúng ta trong cuộc hành trình, Người đã bước vào tội lỗi và sự chết của chúng ta. Do đó cuộc hành trình của chúng ta là để Người nắm lấy tay chúng ta. Chúa Cha, Đấng mời gọi chúng ta trở về nhà, chính là Đấng đã rời bỏ nhà đi tìm chúng ta; Chúa Giê-su, Đấng chữa lành chúng ta, chính là Đấng chịu thương tích trên thập giá; Chúa Thánh Thần, Đấng giúp chúng ta thay đổi cuộc đời, cũng chính là Đấng thổi hơi nhẹ nhàng nhưng đầy quyền năng trên thân xác bụi đất của chúng ta.

Làm hòa với Thiên Chúa

Do đó, thánh tông đồ kêu gọi: “Hãy làm hòa với Thiên Chúa” (c. 20). Hãy làm hòa: cuộc hành trình này không dựa vào sức lực của chính chúng ta; không ai có thể tự làm hòa với Chúa nhờ sức riêng mình. Sự hoán cải chân thành, với những hành động và thực hành thể hiện điều đó, chỉ có thể thực hiện được nếu nó bắt đầu từ sự ưu việt của hành động của Thiên Chúa. Điều khiến chúng ta trở lại với Chúa không phải là khả năng hay công trạng của chính chúng ta, mà là quà tặng ân sủng. Chúa Giê-su nói rõ điều này trong Tin Mừng: điều khiến chúng ta công chính không phải là sự công bình mà chúng ta thể hiện trước mặt người khác, mà là mối quan hệ chân thành của chúng ta với Chúa Cha. Khởi đầu của việc trở lại với Thiên Chúa là việc chúng ta nhận ra chúng ta cần Người và lòng thương xót của Người. Đây là con đường đúng đắn, con đường của sự khiêm tốn.

Mùa Chay: hạ mình trong nội tâm và hướng đến người khác

Hôm nay chúng ta cúi đầu xức tro. Vào cuối Mùa Chay, chúng ta sẽ cúi thấp hơn nữa để rửa chân cho anh chị em mình. Mùa Chay là một sự hạ mình khiêm tốn cả trong nội tâm và đối với người khác. Đó là nhận ra rằng ơn cứu độ không phải là bước lên đỉnh vinh quang, nhưng là hạ mình xuống vì tình yêu. Đó là trở nên bé nhỏ. Nếu chúng ta lạc lối trên hành trình của mình, hãy đứng trước thánh giá của Chúa Giê-su: ngai vàng thinh lặng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy hàng ngày chiêm niệm những vết thương của Người. Trong những vết thương đó, chúng ta nhận ra sự trống trải, những thiếu sót của mình, những vết thương của tội lỗi của chúng ta và tất cả những tổn thương mà chúng ta đã trải qua. Tuy nhiên, ở đó, chúng ta thấy rõ rằng Thiên Chúa không chỉ ngón tay vào bất cứ ai, mà là mở rộng vòng tay để ôm chúng ta. Những vết thương Người chịu vì chúng ta, và nhờ những vết thương đó mà chúng ta đã được chữa lành (x. 1 Plm 2,25; Is 53,5). Khi  hôn lên những vết thương đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng ở đó, trong những vết thương đau đớn nhất của cuộc đời, Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta với lòng thương xót vô hạn của Người. Bởi vì ở đó, nơi chúng ta dễ bị tổn thương nhất, nơi chúng ta cảm thấy xấu hổ nhất, Người đã đến gặp chúng ta. Và bây giờ Người mời chúng ta trở về với Người để khám phá lại niềm vui được yêu thương.

Hồng Thủy – Vatican News

18/02/21 Thứ Năm Mùa Chay

 

18/02/21 Thứ Năm Mùa Chay

18/02/21 Thứ Năm Mùa Chay

BÀI ĐỌC I: Đnl 30, 15-20

“Hôm nay tôi đề nghị với anh em về sự chúc lành và sự chúc dữ”.

Trích sách Đệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân rằng: Này hôm nay tôi giãi bày cho anh em về sự sống và hạnh phúc, về sự chết và bất hạnh. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa anh em, hãy đi trong đường lối Người và tuân giữ các giới răn, những lề luật và các huấn lệnh của Người, hầu anh em được sống và tăng số, và Chúa chúc lành cho anh em trên phần đất mà anh em sẽ chiếm hữu. Nhưng nếu lòng anh em không quay về, không muốn nghe, và chạy theo lầm lạc, thờ lạy và phụng sự các thần khác, thì hôm nay tôi tuyên bố với anh em rằng anh em sẽ chết, không được sống trên phần đất bên kia sông Giođan mà anh em sẽ chiếm hữu. Hôm nay, tôi xin trời đất làm chứng rằng: tôi đã đề nghị với anh em về sự sống và sự chết, sự chúc lành và sự chúc dữ. Vậy hãy chọn lựa sự sống để anh em và dòng dõi anh em được sống. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa anh em, hãy tuân phục lệnh Người và liên kết với Người, vì Người là sự sống và là sự sống lâu dài của anh em, để anh em được ở trong đất nước mà Chúa đã hứa ban cho tổ phụ anh em là Abraham, Isaac và Giacóp”.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Đáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (Tv 39, 5a).

Xướng:

1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.  – Đáp.

2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. – Đáp.

3) Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi; vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác
dẫn tới diệt vong.  – Đáp.

 

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: 2 Cr 6,2b

Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.

 

PHÚC ÂM: Lc 9, 22-25

“Ai bỏ mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại”.

Chúa nói với mọi người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì chưng, ai muốn giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?”

Đó là lời Chúa.

Bài Tiêu Biểu

- Copyright © Giáo xứ bích trì - Blogger Templates - Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -