Hiển thị các bài đăng có nhãn Tin tức. Hiển thị tất cả bài đăng

Tĩnh tâm Mùa Chay cùng Giáo triều Rôma – Bài suy niệm thứ tư của ĐHY Raniero Cantalamessa 26/3/2021

 


Tĩnh tâm Mùa Chay cùng Giáo triều Rôma – Bài suy niệm thứ tư của ĐHY Raniero Cantalamessa 26/3/2021

Tĩnh tâm Mùa Chay cùng Giáo triều Rôma – Bài suy niệm thứ tư của ĐHY Raniero Cantalamessa 26/3/2021



Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 26 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, người vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y hôm 28 tháng 11 năm ngoái, đã có bài thuyết giảng Mùa Chay thứ tư tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Trong bài giảng này, Đức Hồng Y Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng đã tập trung vào chủ đề “Chúa Giêsu thành Nagiarét: một bản thể”

Tóm tắt:

Theo Đức Hồng Y, mầu nhiệm Thiên Chúa là duy nhất và ba ngôi không phải điều bí ẩn lớn nhất và khó tiếp cận nhất đối với tâm trí con người cho bằng khẳng định Thiên Chúa là tình yêu, là Đấng yêu thương và hiến dâng chính Ngài vì tôi, một tạo vật khốn khổ và vô ơn. Chúa Giêsu không thể được biết đến như một bản thể, trừ khi chúng ta bước vào mối quan hệ cá vị với Ngài. Đây là trọng tâm của bài giảng Mùa Chay tuần này và cũng là bài giảng sau cùng trong Mùa Chay năm nay.

Vị Hồng Y chỉ ra rằng, trong hai thiên niên kỷ qua, các nhà thần học, các Công Đồng của Giáo hội và các Giáo phụ đã đi đến việc xác lập rằng Chúa Giêsu có hai bản tính, là ‘con người thật’ và ‘Thiên Chúa thật’, nhưng hai bản tính ấy kết hợp trong một bản thể duy nhất. Điều này đòi hỏi phải khám phá và tuyên bố rằng Chúa Giêsu Kitô không phải là một ý tưởng, một vấn đề lịch sử hay chỉ là một nhân vật, mà Ngài là một bản thể và là một bản thể sống động! Đây là điều còn thiếu và là điều chúng ta cần tránh nhất để Kitô Giáo không bị giản lược thành một ý thức hệ hay đơn giản chỉ là thần học.

Vị Hồng Y Dòng Anh Em Hèn Mọn khiêm tốn thừa nhận rằng đây cũng là trường hợp của ngài. “Tôi nhận ra rằng tôi biết những sách viết về Chúa Giêsu, các giáo lý và dị giáo về Chúa Giêsu, các khái niệm về Chúa Giêsu, nhưng tôi không biết Ngài, với tư cách là một người đang sống hiện diện ở đây và bây giờ. Ít ra thì tôi đã không biết Người theo cách đó khi tôi tiếp cận Người qua các nghiên cứu lịch sử và thần học của tôi. Cho đến lúc đó tôi đã có một sự hiểu biết vô vị về con người của Chúa Kitô. Một mâu thuẫn về mặt thuật ngữ và là một nghịch lý, nhưng, than ôi, thường xuyên làm sao!”

Đức Hồng Y cho rằng ngài thiếu kinh nghiệm của Thánh Phaolô, kinh nghiệm của một cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu trên đường đến Đamát.

Chúng ta cần tự hỏi mình một câu hỏi nghiêm túc: Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Ngài là một bản thể hay một nhân vật? Có một sự khác biệt lớn giữa hai điều này. Nhân vật – chẳng hạn như Giuliô Xêxa, Leonardo da Vinci, Napôlêon – là người mà bạn có thể viết và nói nhiều tùy thích, nhưng không thể nói chuyện được với họ. Thật không may, đối với đại đa số Kitô hữu, Chúa Giêsu là một nhân vật, không phải là một bản thể. Ngài là chủ đề của một tập hợp các tuyên bố tín lý, học thuyết và dị giáo; một nhân vật mà chúng ta tưởng nhớ khi chúng ta cử hành phụng vụ, chúng ta tin rằng nhân vật ấy thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, v.v. Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn ở mức độ tin tưởng khách quan, mà không phát triển mối quan hệ hiện sinh với Người, thì Người vẫn ở bên ngoài chúng ta, Người chạm vào tâm trí chúng ta mà không sưởi ấm trái tim chúng ta. Dù thế nào đi nữa, Người vẫn ở trong quá khứ; thậm chí, một cách vô thức, cách xa chúng ta đến hai ngàn năm. Trên nền tảng của tất cả những điều này, chúng ta hiểu tầm quan trọng của lời mời gọi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt ở đầu Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm này:

Tôi mời gọi tất cả các Kitô hữu, ở khắp mọi nơi, ngay lúc này, đến với cuộc gặp gỡ cá vị mới mẻ với Chúa Giêsu Kitô, hoặc ít nhất là mở lòng ra để Người gặp gỡ họ. Tôi yêu cầu tất cả anh chị em làm điều này không ngừng mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời này không dành cho mình. (Evangelii Gaudium 3).

Quan niệm hiện đại về sự tôn trọng và phẩm giá của con người bắt nguồn từ việc con người mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nguồn gốc của khái niệm này có thể được hiểu trong bản chất của Thiên Chúa Ba Ngôi, đó là tình yêu. Chúng ta có được bản sắc của mình như một con người không phải bằng cách xa rời người khác nhưng bằng cách hiệp thông với họ trong và bằng một tình yêu ‘không mưu lợi riêng’ (1Cr 13,5) nhưng bằng lòng hy sinh bản thể của chính mình để giúp người kia tồn tại và trở thành tha nhân. Đó chính xác là cách tồn tại được tìm thấy trên Thập giá của Chúa Kitô, nơi tình yêu thần thánh tự bộc lộ hoàn toàn trong sự tồn tại của chính con người chúng ta.”

Do đó, ‘mối quan hệ cá vị’ của chúng ta với Chúa Kitô về cơ bản là mối quan hệ yêu thương. Nó bao gồm cả việc được yêu bởi Chúa Kitô và yêu mến Chúa Kitô. Và khi mối quan hệ này được thực hiện, những khổ nạn như đau khổ, túng quẫn, bắt bớ, đói kém, trần truồng, hiểm nguy, hoặc gươm giáo – như Thánh Phaolô đã đề cập – sẽ không tách rời chúng ta khỏi tình yêu của Chúa Kitô. Là một phương pháp chữa lành nội tâm dựa trên tình yêu thương, vị Tông đồ Dân ngoại mời gọi chúng ta nhìn vào tất cả những nguy hiểm và khổ nạn này, bao gồm cả đại dịch Covid-19 hiện tại, dưới ánh sáng của ý nghĩ rằng Thiên Chúa yêu thương tôi, vì “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?”

Bản tiếng Anh và các ngôn ngữ khác có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Sách Tông đồ Công vụ kể lại tình tiết sau đây. Khi Agrippa đến Caesarea, thống đốc Festus đệ trình vụ án của Phaolô, đang bị giam giữ, chờ xét xử. Viên thống đốc tóm tắt trường hợp của Phaolô với nhà vua bằng những lời sau: ‘Những người đã đổ lỗi cho anh ta […] có một số vấn đề với anh ta liên quan đến tôn giáo của họ và về một Giêsu nào đó đã chết nhưng Phaolô lại tuyên bố người ấy còn sống’ (Cv 25: 18-19 ). Chi tiết này, xem ra có vẻ là thứ yếu, nhưng tóm tắt lịch sử của hai mươi thế kỷ sau thời điểm đó. Mọi thứ vẫn xoay quanh ‘một Giêsu nào đó’ mà thế giới tuyên bố đã chết và Giáo hội tuyên bố là còn sống.

Trong bài suy niệm cuối cùng này, chúng ta dự định đi sâu vào sự thật rằng Chúa Giêsu thành Nagiarét còn sống! Ngài không phải là ký ức của quá khứ; Ngài không chỉ là một nhân vật, nhưng là một bản thể. Chắc chắn, Ngài sống ‘bởi Thánh Linh’, nhưng cách sống này mạnh hơn cách sống khác ‘bởi xác thịt’, vì nó cho phép Ngài sống bên trong chúng ta, không phải bên ngoài hay bên cạnh chúng ta.

Khi xem xét lại tín lý này, chúng ta đã đi đến nút thắt nối hai đầu lại với nhau. Như tôi đã nói ở phần đầu, Chúa Giêsu, ‘con người thật’ và Chúa Giêsu, ‘Thiên Chúa thật’, giống như hai cạnh của một hình tam giác, và đỉnh là Chúa Giêsu ‘một bản thể’. Chúng ta hãy nhớ lại một cách vắn tắt tín điều về sự hiệp nhất bản tính của Chúa Kitô đã bắt nguồn như thế nào. Công thức ‘một bản thể’ áp dụng cho Chúa Kitô có từ thời Tertullian, nhưng phải mất hơn hai thế kỷ suy ngẫm để hiểu ý nghĩa thực sự của điều đó và làm thế nào nó có thể được dung hòa với tuyên bố rằng Chúa Giêsu là người thật và là Thiên Chúa thật, nghĩa là ‘thuộc hai bản tính’.

Một giai đoạn quan trọng là Công đồng Êphêsô năm 431, nơi danh hiệu của Đức Maria Theotokos, đấng đã sinh ra Thiên Chúa, được xác định. Nếu Đức Maria có thể được gọi là ‘Mẹ Thiên Chúa’, mặc dù chỉ sinh ra bản tính con người của Chúa Giêsu, thì điều đó có nghĩa là trong Chúa Kitô, nhân tính và thần tính tạo thành một bản thể duy nhất. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng chỉ đạt được tại Công đồng Chalcedon vào năm 451, với công thức mà chúng ta muốn trích dẫn ở đây trong phần liên quan đến sự hợp nhất của Chúa Kitô:

Noi theo các Thánh phụ, tất cả chúng tôi đồng thanh dạy

chỉ có một và cùng một Chúa Con, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta [..],

các thuộc tính của mỗi bản tính vẫn được nguyên vẹn

và gặp gỡ nhau trong một bản thể và một ngôi vị duy nhất

Nếu việc chấp nhận hoàn toàn định nghĩa Nicê mất một thế kỷ, thì việc chấp nhận hoàn toàn định nghĩa thứ hai này đã kéo dài hàng thế kỷ tiếp theo, cho đến ngày nay. Chỉ nhờ vào định hướng thuận lợi gần đây đối với đối thoại đại kết, người ta mới có thể khôi phục lại sự hiệp thông giữa cái được gọi là Giáo hội Nestoriô và Đơn Nhất Tính của Đông phương và Giáo hội Chính thống. Trong hầu hết các trường hợp, người ta nhận thấy rằng sự khác biệt nằm ở thuật ngữ hơn là tín lý. Tất cả đều phụ thuộc vào ý nghĩa được gán cho từ ‘bản tính’ và ‘bản thể’ hoặc ‘ngôi vị’

Từ tính từ ‘một’ đến danh từ ‘bản thể’

Một lần nữa, khi đã bảo đảm được nội dung bản thể luận và khách quan của tín lý này, để hồi sinh nó, giờ đây chúng ta cần làm nổi bật các chiều kích chủ quan và hiện sinh của tín lý đó. Thánh Grêgoriô Cả nói rằng Kinh thánh ‘phát triển cùng với những người đọc nó’ (cum legentibus crescit). Điều tương tự cũng nên áp dụng cho tín lý. Tín lý là một ‘cấu trúc mở’: và nó ngày càng lớn mạnh và phong phú hơn, theo thước đo là Giáo hội, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, khi trải nghiệm những vấn đề mới và đối mặt với những nền văn hóa mới.

Thánh Irênô đã nói điều đó với tầm nhìn ngoại thường vào cuối thế kỷ thứ hai, khi ngài viết rằng một sự thật được mạc khải ‘giống như một loại rượu mùi có giá trị được đựng trong một cái bình có giá trị. Nhờ Chúa Thánh Thần, sự thật này ngày càng trẻ ra và làm trẻ lại cái bình đựng nó”. Giáo hội có thể đọc Kinh thánh và tín lý theo cách luôn luôn mới, bởi vì chính tín lý được làm mới bởi Chúa Thánh Thần! Đó là bí mật tuyệt vời và đơn giản đằng sau tuổi trẻ lâu năm của Truyền thống và do đó, của những tín lý là biểu hiện cao nhất của Truyền thống. Một học giả vĩ đại về tín lý Kitô Giáo của thế kỷ trước, Jaroslav Pelikan đã viết rằng “Truyền thống là đức tin sống động của người chết, chủ nghĩa duy truyền thống là đức tin chết của người sống”.

Ngoài ra, tín điều về Chúa Kitô ‘một bản thể’ là một cấu trúc mở và nó có thể đáp ứng những nhu cầu mới của đức tin, không giống với những nhu cầu của thế kỷ thứ năm. Ngày nay, không ai phản đối việc Chúa Kitô là ‘một người’. Như chúng ta đã thấy lần trước, có một số người phủ nhận bản tính ‘Thiên Chúa’ của Ngài và thích nói rằng Chúa Kitô là một con người ‘trần thế’, trong đó Thiên Chúa cư ngụ hoặc tác động một cách siêu phàm. Tuy nhiên, không ai phủ nhận rằng Chúa Giêsu là một người duy nhất.

Yếu tố quan trọng nhất liên quan đến tín điều Chúa Kitô là ‘một bản thể’, không nằm nhiều trong tính từ ‘một’ như trong danh từ ‘bản thể’. Thực tế rằng Chúa Giêsu Kitô là ‘một và cùng một (unus et idem), không quan trọng cho bằng Ngài là một ‘bản thể’. Điều này đòi hỏi phải khám phá và tuyên bố rằng Chúa Giêsu Kitô không phải là một ý tưởng, một vấn đề lịch sử hay chỉ là một nhân vật, mà Ngài là một bản thể và là một bản thể sống động! Đây là điều còn thiếu và là điều chúng ta cần tránh nhất để Kitô Giáo không bị giản lược thành một ý thức hệ hay đơn giản chỉ là thần học.

Mục tiêu liên tục của chúng ta là làm sống lại tín lý, bắt đầu lại từ nền tảng Kinh thánh của tín lý này. Vì vậy, chúng ta hãy ngay lập tức chuyển sang chính Kinh thánh. Chúng ta hãy bắt đầu từ trang Tân Ước tường thuật ‘cuộc gặp gỡ cá vị’ nổi tiếng nhất với Chúa Phục Sinh từng xảy ra trên trái đất này: đó là cuộc gặp gỡ của Tông đồ Phaolô. ‘Saulô, Saulô, sao ngươi bắt bớ ta?’ ‘Ngài là ai?’ ‘Ta là Chúa Giêsu, người mà ngươi đang bắt bớ! “ (x. Cv 9: 4-5). Thật là một ánh sáng mạnh mẽ! Hai mươi thế kỷ sau, ánh sáng đó vẫn chiếu rọi Giáo hội và trên thế giới. Nhưng chúng ta hãy đọc chính cách thánh nhân mô tả sự kiện này:

Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa vào đức tin được biết Người. (Phi; 3:7-10)

Tôi gần như ngượng ngùng khi dám thêm kinh nghiệm ít ỏi của mình vào kinh nghiệm của vị Tông đồ. Nhưng chính Phaolô, với câu chuyện của mình, đã khuyến khích ta làm điều đó, chính xác là để làm chứng cho ân sủng của Thiên Chúa. Trong khi nghiên cứu và giảng dạy Kitô học, tôi đã tự mình nghiên cứu khá nhiều về khái niệm ‘bản thể’ trong thần học, về các định nghĩa và những cách giải thích khác nhau về khái niệm này. Tôi đã biết những cuộc thảo luận bất tận về bản thể hay ngôi vị duy nhất của Chúa Kitô trong thời đại Byzantine, những phát triển hiện đại của khái niệm này liên quan đến chiều kích tâm lý của con người, với vấn nạn theo sau là cái ‘Tôi’ của Chúa Kitô, vốn đang được tranh luận trong thời nghiên cứu thần học của tôi. Theo một nghĩa nào đó, tôi biết mọi thứ về con người của Chúa Giêsu, nhưng tôi không biết Chúa Giêsu một cách cá vị!

Chính đoạn thư này của Thánh Phaolô đã giúp tôi hiểu được sự khác biệt. Trên hết là câu: ‘được biết Người.’ Đại từ đơn giản đó – ‘Người’ (auton) – đối với tôi dường như chứa đựng nhiều sự thật về Chúa Giêsu hơn là toàn bộ các quan điểm về Kitô học. ‘Người’ có nghĩa là Chúa Giêsu Kitô ‘bằng xương bằng thịt.’ Nó giống như gặp một người trực tiếp, sau khi đã biết bức ảnh của họ trong nhiều năm. Tôi nhận ra rằng tôi biết những sách viết về Chúa Giêsu, các giáo lý và dị giáo về Chúa Giêsu, các khái niệm về Chúa Giêsu, nhưng tôi không biết Ngài, với tư cách là một người đang sống hiện diện ở đây và bây giờ. Ít ra thì tôi đã không biết Người theo cách đó khi tôi tiếp cận Người qua các nghiên cứu lịch sử và thần học của tôi. Cho đến lúc đó tôi đã có một sự hiểu biết vô vị về con người của Chúa Kitô. Một mâu thuẫn về mặt thuật ngữ và là một nghịch lý, nhưng, than ôi, thường xuyên làm sao!

Ngôi vị là trong mối quan hệ

Suy ngẫm về khái niệm ngôi vị trong Chúa Ba Ngôi, thánh Augustinô trước tiên và thánh Tôma Aquina sau ngài, đã đi đến kết luận rằng ‘ngôi vị’, trong Thiên Chúa, có nghĩa là mối quan hệ. Chúa Cha là như thế trong mối quan hệ của Ngài với Chúa Con: tất cả bản thể của Ngài đều bao gồm trong mối quan hệ này, vì Chúa Con là như vậy trong mối quan hệ của Ngài với Chúa Cha. Tư tưởng hiện đại đã xác nhận sự sáng suốt này. Như nhà triết học Hegel đã viết: ‘Nhân cách đích thực bao gồm việc phục hồi bản thân bằng cách lao vào người khác.’ Một người là một người đang trong hành động mở lòng với một người ‘khác’ thông qua sự so sánh lẫn nhau mà qua đó họ có được nhận thức về bản thân. Trở thành một người là tình trạng ‘ở trong mối quan hệ.’

Điều này đặc biệt áp dụng cho các ngôi vị thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi, là ‘những mối quan hệ thuần túy’, hoặc theo thuật ngữ thần học là ‘mối quan hệ tồn tại’; tuy nhiên điều này cũng áp dụng cho mọi người trong cõi được tạo thành. Con người được đề cập không được biết trong thực tế của người ấy trừ khi nhập vào ‘mối quan hệ’ với họ. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu không thể được biết đến như một bản thể, trừ khi ta bước vào mối quan hệ cá nhân từ một cái ‘Tôi’ đến ‘Người’, với Ngài. ‘Đức tin không kết thúc với các định nghĩa, nhưng với các sự vật,’ như thánh Tôma Aquina đã nói. Chúng ta không thể hài lòng với việc tin vào ‘một bản thể’ như một công thức, nhưng chúng ta cần tiếp cận với người đó và thông qua đức tin và lời cầu nguyện, ‘chạm’ vào điều ấy.

Chúng ta cần tự hỏi mình một câu hỏi nghiêm túc: Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Ngài là một bản thể hay một nhân vật? Có một sự khác biệt lớn giữa hai điều này. Nhân vật – chẳng hạn như Giuliô Xêxa, Leonardo da Vinci, Napôlêon – là người mà bạn có thể viết và nói nhiều tùy thích, nhưng không thể nói chuyện được với họ. Thật không may, đối với đại đa số Kitô hữu, Chúa Giêsu là một nhân vật, không phải là một bản thể. Ngài là chủ đề của một tập hợp các tuyên bố tín lý, học thuyết và dị giáo; một nhân vật mà chúng ta tưởng nhớ khi chúng ta cử hành phụng vụ, chúng ta tin rằng nhân vật ấy thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, v.v. Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn ở mức độ tin tưởng khách quan, mà không phát triển mối quan hệ hiện sinh với Người, thì Người vẫn ở bên ngoài chúng ta, Người chạm vào tâm trí chúng ta mà không sưởi ấm trái tim chúng ta. Dù thế nào đi nữa, Người vẫn ở trong quá khứ; thậm chí, một cách vô thức, cách xa chúng ta đến hai ngàn năm. Trên nền tảng của tất cả những điều này, chúng ta hiểu tầm quan trọng của lời mời gọi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt ở đầu Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm này:

Tôi mời gọi tất cả các Kitô hữu, ở khắp mọi nơi, ngay lúc này, đến với cuộc gặp gỡ cá nhân mới mẻ với Chúa Giêsu Kitô, hoặc ít nhất là mở lòng ra để Người gặp gỡ họ. Tôi yêu cầu tất cả anh chị em làm điều này không ngừng mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời này không dành cho mình. (Evangelii Gaudium 3).

Trong cuộc sống của hầu hết mọi người, có một sự kiện nào đó chia cuộc sống ấy thành hai phần, được ghi dấu là “trước” và “sau” sự kiện ấy. Đối với những người đã kết hôn, đó là cuộc hôn nhân của họ, và họ phân chia cuộc sống của họ như thế này: “trước khi kết hôn” và “sau khi kết hôn”; đối với các giám mục và linh mục thì đó là sự thánh hiến hay phong chức của các ngài; đối với những người tận hiến đó là lễ tuyên khấn của họ. Theo quan điểm tâm linh, chỉ có một sự kiện xác định một cách triệt để ‘trước’ và ‘sau’. Cuộc sống của mọi người được phân chia giống hệt như lịch sử vũ trụ: ‘trước Chúa Kitô’ và ‘sau Chúa Kitô’, trước cuộc gặp gỡ cá vị của họ với Chúa Giêsu và sau đó.

Chúng ta có thể nhìn thoáng qua cuộc gặp gỡ này, nghe về điều đó, khao khát điều đó, nhưng chỉ có một cách để trải nghiệm điều đó. Nó không phải là thứ bạn có thể đạt được bằng cách đọc sách hoặc nghe giảng. Chúng ta chỉ có thể đạt được điều đó nhờ tác động của Chúa Thánh Thần! Vì vậy, chúng ta biết ai để cầu xin điều đó và chúng ta biết rằng Người không mong đợi điều gì khác ở chúng ta. Per tesciamus da Patrem, noscamus atque Filium: ‘Xin ban cho chúng con để nhờ Ngài, chúng con có thể biết Chúa Cha và chúng con cũng có thể biết Chúa Con’ để chúng con có thể biết Người qua một trải nghiệm thay đổi cuộc đời.

Chúa Kitô, như một bản thể ‘thần thánh’

Tuy nhiên, chúng ta cần phải tiến thêm một bước nữa. Nếu chúng ta dừng lại ở đây, chúng ta sẽ bỏ lỡ sự mặc khải an ủi nhất được bao hàm trong tín điều về Chúa Kitô là một bản thể ‘thần thánh’. Chúng ta sẽ không bao giờ biết ơn đủ đối với Giáo hội sơ khai vì đã chiến đấu, đôi khi theo nghĩa đen cho đến giọt máu cuối cùng, để giữ vững chân lý rằng Chúa Kitô là ‘một bản thể duy nhất’ và bản thể này không gì khác hơn chính là Con Thiên Chúa hằng sống, một trong ba ngôi vị của Chúa Ba Ngôi. Chúng ta hãy cố gắng hiểu tại sao.

Sự đóng góp hiệu quả nhất và lâu bền nhất của Thánh Augustinô cho thần học là việc sáng lập tín điều Ba Ngôi dựa theo tuyên bố của Thánh Gioan: ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Ga 4: 8). Tình yêu nào cũng kéo theo một người đang yêu, một người được yêu, và tình yêu hợp nhất giữa họ. Và chính trong những thuật ngữ này, Thánh Augustinô định nghĩa ba ngôi vị thần linh: Chúa Cha là Đấng yêu thương, Chúa Con là người được yêu thương và Chúa Thánh Thần là tình yêu liên kết các Ngài.

Không có tình yêu nào mà không phải là tình yêu dành cho ai đó hay dành cho cái gì đó, cũng như không có kiến thức mà không có cái gì đó cần biết. Không có tình yêu ‘trống rỗng’, không có đối tượng. Do đó, chúng ta có thể tự hỏi; Thiên Chúa yêu ai để tình yêu ấy được định nghĩa là tình yêu? Thiên Chúa có yêu con người không? Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa đã yêu chỉ trong vài trăm triệu năm.Thiên Chúa có yêu vũ trụ không? Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa đã yêu trong hàng chục tỷ năm. Và trước đó Chúa yêu ai trong tình yêu của Ngài? Lời giải thích được tiết lộ trong Kinh thánh và được Giáo hội làm sáng tỏ nói rằng Thiên Chúa là tình yêu đến muôn đời, ab aeterno, bởi vì, trước khi có bất cứ điều gì để yêu bên ngoài Ngài, Ngài đã có Ngôi Lời bên trong chính mình, là người Con mà Ngài yêu với tình yêu vô bờ bến, đó là ‘trong Chúa Thánh Thần.’

Điều này không giải thích ‘làm thế nào’ sự hiệp nhất có thể đồng thời là Ba Ngôi (đây là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể biết được vì điều đó chỉ xảy ra nơi Thiên Chúa), nhưng nó đủ để chúng ta hiểu “tại sao”, trong Thiên Chúa, sự đa dạng không mâu thuẫn với sự hiệp nhất. Đó là bởi vì ‘Chúa là tình yêu’! Nếu một vị Chúa hoàn toàn là kiến thức hay luật pháp, hoặc hoàn toàn là quyền năng, thì chắc chắn Ngài sẽ không cần phải là ba ngôi (thực tế là điều đó sẽ khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn); nhưng một Thiên Chúa, trên hết mọi sự, là tình yêu, có thể là ba ngôi, bởi vì không thể có tình yêu giữa ít hơn hai người.

Theo quan điểm của tôi, điều bí ẩn lớn nhất và khó tiếp cận nhất đối với tâm trí con người không phải là Thiên Chúa là duy nhất và ba ngôi, mà là Thiên Chúa là tình yêu. Như Henry de Lubac đã viết: ‘Thế giới cần biết: Sự mặc khải Thiên Chúa là tình yêu phá vỡ tất cả những gì thế giới tưởng tượng trước đây về thần thánh’ Điều đó rất đúng, nhưng trên thực tế, chúng ta còn lâu mới rút ra được tất cả những kết luận cần thiết từ cuộc cách mạng đó. Bằng chứng cho điều này là hình ảnh của Thiên Chúa thịnh hành trong vô thức con người là hình ảnh của một hữu thể tuyệt đối, chứ không phải là một tình yêu tuyệt đối; một Thiên Chúa toàn trí và toàn năng và trên hết là một đấng công bình. Tình yêu và lòng thương xót được coi là một biện pháp sửa chữa uốn nắn công lý. Chúng là số mũ, không phải là cơ số.

Chúng ta, những người hiện đại, tuyên bố rằng con người là giá trị tối cao cần được tôn trọng trong mọi lĩnh vực, là nền tảng cuối cùng của phẩm giá con người. Tuy nhiên, nguồn gốc của khái niệm hiện đại này chỉ có thể được hiểu bằng cách bắt đầu từ Chúa Ba Ngôi. Nhà thần học Chính thống Johannes Zizioulas đã nêu bật quan niệm này rất rõ ràng, bằng cách cho thấy sự sinh hoa kết quả và làm phong phú lẫn nhau đạt được trong cuộc đối thoại giữa thần học Latinh và Hy Lạp về Chúa Ba Ngôi. Trong nhiều tác phẩm của mình, ông cho thấy khái niệm hiện đại về con người là một nhánh trực tiếp của học thuyết Ba Ngôi và ông giải thích như thế này:

“Tình yêu là một phạm trù bản thể học bao gồm việc cho người khác có chỗ để tồn tại như tha nhân và có được sự tồn tại của mình trong và thông qua tha nhân ấy. Đó là một thái độ tự hạ mình, một sự trao ban bản thân […]. Đó là điều xảy ra trong Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi Chúa Cha yêu thương hiến mình cho Chúa Con và để Người tồn tại như một Người Con. […] Vậy, đây là ý nghĩa của việc trở thành một con người dưới ánh sáng của thần học Ba Ngôi. Nó đòi hỏi một cách tồn tại mà chúng ta có được bản sắc của mình không phải bằng cách xa rời người khác nhưng bằng cách hiệp thông với họ trong và bằng một tình yêu ‘không mưu lợi riêng’ (1Cr 13,5) nhưng bằng lòng hy sinh bản thể của chính mình để giúp người kia tồn tại và trở thành tha nhân. Đó chính xác là cách tồn tại được tìm thấy trên Thập giá của Chúa Kitô, nơi tình yêu thần thánh tự bộc lộ hoàn toàn trong sự tồn tại của chính con người chúng ta.”

Vì vậy, là một Ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Kitô có một mối quan hệ yêu thương với chúng ta, đó là nền tảng cho sự tự do của chúng ta (x. Gl 5, 1). ‘Người đã yêu tôi và xả thân vì tôi’ (Gl 2,20): người ta có thể dành hàng giờ để lặp lại điều này với chính mình trong sự ngạc nhiên không ngừng. Người, là Chúa, đã yêu tôi, một sinh vật vô ơn khốn khổ! Người đã hiến thân – mạng sống của mình, máu của chính mình – cho tôi. Đặc biệt cho tôi! Ta chìm trong vực thẳm kinh ngạc đó!

Do đó, ‘mối quan hệ cá vị’ của chúng ta với Chúa Kitô về cơ bản là mối quan hệ yêu thương. Nó bao gồm cả việc được yêu bởi Chúa Kitô và yêu mến Chúa Kitô. Điều đó áp dụng cho tất cả mọi người nhưng có một ý nghĩa đặc biệt đối với các mục tử của Giáo hội. Sau Thánh Augustinô, nhiều người lặp lại rằng tảng đá mà Chúa Giêsu hứa sẽ thành lập Giáo hội của mình là đức tin của Phêrô, vì Người đã tuyên bố Người là ‘Đấng Mêsia, Con của Thiên Chúa hằng sống.’ (Mt 16:16). Tôi nghĩ rằng chúng ta đang bỏ qua những gì Chúa Giêsu đã nói khi giao nhiệm vụ đó cho Thánh Phêrô: ‘Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? … Hãy chăm sóc chiên của Thầy!’ (x. Ga 21: 15-16). Sứ vụ mục tử kín múc sức mạnh bí mật từ tình yêu dành cho Chúa Kitô. Đức ái, không thua kém đức tin, khiến người mục tử nên một với tảng đá là Chúa Kitô.

‘Điều gì sẽ ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu của Chúa Kitô?’

Tôi muốn kết thúc bằng cách nêu bật hệ quả của tất cả những điều này đối với cuộc sống của chúng ta, vào thời điểm đại nạn cho toàn thể nhân loại như thời điểm hiện tại. Hãy để Tông đồ Phaolô giải thích điều đó cho chúng ta. Trong Thư gửi các tín hữu Rôma, thánh nhân viết:

Điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? (Rm 8:35)

Đó không phải là một danh sách trừu tượng và chung chung. Những nguy hiểm và khổ nạn mà thánh nhân liệt kê là những điều mà ngài thực sự đã trải qua trong cuộc đời mình. Ngài mô tả chi tiết về chúng trong Thư thứ hai gửi tín hữu Côrinhtô, nơi ngài thêm vào những thử thách được liệt kê ở đây một thử thách khiến ngài đau khổ nhất, đó là sự chống đối cố chấp từ một số thành viên trong cộng đồng của ngài (x. 2Cor 11: 23ff.). Nói cách khác, vị Tông đồ đã khảo sát trong tâm trí của mình tất cả những thử thách mà ngài đã phải chịu đựng, xác minh rằng không có thử thách nào là quá khó đối với với tình yêu của Chúa Kitô và do đó, kết thúc một cách đắc thắng rằng: ‘Trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta’ (Rm 8:37).

Vị Tông đồ ngầm mời gọi mỗi người chúng ta hãy làm như vậy. Ngài gợi ý một phương pháp chữa lành nội tâm dựa trên tình yêu. Ngài mời gọi chúng ta bộc lộ tất cả những nỗi đau của trái tim, nỗi buồn, nỗi sợ hãi, sự phức tạp, chẳng hạn như khiếm khuyết về thể chất hoặc đạo đức không cho phép chúng ta vui vẻ chấp nhận bản thân như hiện tại, ký ức đau đớn hoặc nhục nhã, sai lầm mà chúng ta phải chịu đựng, sự phản đối vô cảm điếc lác của người khác… Ngài mời gọi chúng ta nhìn tất cả điều này dưới ánh sáng của ý nghĩ rằng Thiên Chúa yêu thương tôi và ngăn chặn bất kỳ suy nghĩ tiêu cực nào, tự nói với chính mình giống như vị Tông đồ: ‘Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?’ (Rm 8:31).

Ngay sau đó, Tông đồ Phaolô nâng tầm mắt khỏi cuộc sống cá nhân của mình để bao quát thế giới xung quanh ngài và hiện sinh của con người nói chung:

Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.(Rm 8: 38-39).

Một lần nữa, ngay cả ở đây cũng không phải là một danh sách trừu tượng. Thánh nhân nhìn vào thế giới ‘của riêng mình’, cùng với những sức mạnh khiến nó trở nên bị đe dọa: cái chết với sự bí ẩn của nó, cuộc sống hiện tại với sự bất định của nó, sức mạnh của các vì sao hoặc của địa ngục đã gây ra rất nhiều nỗi kinh hoàng cho con người thời cổ đại. Một lần nữa, chúng ta được mời làm điều tương tự: hãy nhìn bằng con mắt đức tin vào thế giới xung quanh chúng ta và khiến chúng ta kinh hoàng hơn nữa khi giờ đây con người đã có được sức mạnh để phá vỡ nó bằng vũ khí và sự thao túng của chính mình. Cái mà Thánh Phaolô gọi là ‘chiều cao’ và ‘chiều sâu’ là dành cho chúng ta – trong kiến thức nâng cao của chúng ta về các chiều kích của vũ trụ – cái lớn vô cùng phía trên chúng ta và cái nhỏ vô cùng bên dưới chúng ta. Hiện tại, nguyên tố nhỏ bé vô tận đó là coronavirus, đã khiến cả nhân loại phải quỳ gối trong một năm.

Một tuần sau sẽ là Thứ Sáu Tuần Thánh và ngay sau đó là Lễ Phục Sinh, Chúa Nhật Phục Sinh. Bằng cách sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu không quay trở lại cuộc sống trước đây như Lagiarô, nhưng chuyển sang một cuộc sống tốt hơn, không phải lo lắng. Chúng ta hãy hy vọng điều đó cũng sẽ xảy ra như vậy đối với chúng ta – hãy hy vọng rằng, như Đức Thánh Cha vẫn thường nhắc đến, thế giới có thể trỗi dậy từ ngôi mộ của đại dịch, không giống như trước đây, mà là một thế giới tốt đẹp hơn.


1.Tertullian, Adversus Praxean, 27, 11.
2.Denzinger – Schoenmetzer, Enchiridion Symbolorum, nrs. 301-302.
3.St Gregory the Great, Moralia in Job, XX, 1.
4.St Irenaeus, Adversus Haereses, III, 24,1.
5.Jaroslav Pelikan, The Christian Tradition: A History of the Development of Doctrine, 5 vols. (1973–1990). Chicago: University of Chicago Press
6.St Augustine, De Trinitate, V,5,6.
7.F. Hegel, Lectures on the Philosophy of Religion, Humanity Press, vol. III, New York, 1962, p.25.
8.St Thomas Aquinas, S.Th., II-IIae, q.1, a.2, ad 2.
9.St Augustine, De Trinitate, VI, 5, 7; IX, 22.
10.H. de Lubac, Histoire et Esprit, Aubier, Parigi 1950, ch. 5.
11.J. Zizioulas, L’idea di persona umana deriva dalla Trinità: [Ý tưởng về con người nhân loại từ Chúa Ba Ngôi], Bài giảng tại Milan năm 2015.

Thế Giới Nhìn Từ Vatican

Phép lạ Thánh Thể ngoạn mục, được nhanh chóng công nhận tại Hà Lan và cuộc hành hương Stille Omgang

 

Phép lạ Thánh Thể ngoạn mục, được nhanh chóng công nhận tại Hà Lan và cuộc hành hương Stille Omgang

Phép lạ Thánh Thể ngoạn mục, được nhanh chóng công nhận tại Hà Lan và cuộc hành hương Stille Omgang


Hà Lan: Cuộc đi bộ trong im lặng tại Amsterdam năm nay buộc phải diễn ra trực tuyến.

Cuộc đi bộ trong im lặng truyền thống qua các đường phố Amsterdam, được tổ chức hàng năm vào tháng Ba, không thể diễn ra theo cách thông thường trong năm nay do những hạn chế liên quan đến coronavirus.

Đó là lý do tại sao từ đêm Thứ Bảy 20 đến đêm Chúa Nhật 21 tháng 3, đã có một loạt các cơ hội trực tuyến, với một buổi cử hành Thánh Thể được truyền trực tiếp và một cuộc rước, để tưởng nhớ phép lạ Thánh Thể năm 1345. Một chương trình đặc biệt, cũng dưới dạng trực tuyến, đã được phát cho những người trẻ. Nó được mở đầu bằng bài phát biểu của Cha Jan Stuyt thuộc Dòng Tên về chủ đề lắng nghe và suy ngẫm về cuộc đời của Cha Frans van der Lugt, người đã tử vì đạo ở Syria.

Sau đó là các buổi hội thảo, thời gian cho việc chầu Mình Thánh Chúa và suy tư do cha tuyên úy giới trẻ Nars Beemster hướng dẫn. Sau đó, những người trẻ đã tham gia Thánh lễ được truyền trực tiếp từ Vương cung thánh đường Thánh Nicholas ở Amsterdam. Cuối cùng là một cuộc rước video ảo. Ban tổ chức viết: “ Thật là vô cùng đáng buồn khi truyền thống Stille Omgang ở Amsterdam bị gián đoạn trong năm nay. Chúng tôi hy vọng rằng sự kiện kỹ thuật số sẽ là công cụ tạo ra sự kết nối khiến chúng ta cảm thấy đoàn kết với nhau trong tình cảnh này nhờ Chúa Giêsu Kitô”.

Cuộc đi bộ trong im lặng tại Hà Lan

Cuộc đi bộ trong im lặng, tiếng Hà Lan là “Stille Omgang”, là một nghi lễ không chính thức của Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này, thay thế cho các cuộc rước kiệu bị cấm sau cuộc Cải cách Tin lành ở Hà Lan vào thế kỷ 16. Trong các cuộc đi bộ trong im lặng này, cuộc đi bộ nổi tiếng nhất là tại thủ đô Amsterdam, vào tháng Ba hàng năm.

Cuộc đi bộ trong im lặng này tưởng niệm Phép lạ Thánh Thể, diễn ra vào ngày 16 tháng 3 năm 1345. Một người đàn ông hấp hối được ban Mình Thánh Chúa và các nghi thức cuối cùng. Tuy nhiên, ngay khi rước lễ, ông bị nôn mửa.

Theo các quy định của phụng vụ vào thời đó, Mình Thánh đã được đưa vào lửa để tiêu hủy, nhưng vẫn còn nguyên vẹn một cách kỳ diệu và được lấy ra từ đống tro tàn vào ngày hôm sau.

Phép lạ này nhanh chóng được công nhận bởi chính quyền thành phố Amsterdam và Đức Giám Mục Utrecht, và một nhà nguyện hành hương lớn, đặt tên là Heilige Stede, nghĩa là “Thánh địa” được xây dựng trên nền ngôi nhà của người quá cố. Con đường từ nhà thờ chính tòa thành phố đến nhà nguyện này được gọi là Heiligeweg.

Ban đầu, anh chị em giáo dân hành hương cá nhân, vừa đi vừa lần chuỗi Mân Côi từ nhà thờ chính tòa thành phố đến nhà nguyện này. Sau cuộc Cải cách Tin lành ở Hà Lan vào thế kỷ 16, mọi cuộc rước sách đều bị cấm, nên thay vì hành hương cá nhân, các tín hữu Công Giáo đi thành từng nhóm như một hình thức rước kiệu nhưng không có các cờ xí, ảnh tượng để khỏi bị bắt bớ.

Ngày thứ Tư đầu tiên sau ngày 12 tháng Ba, Giáo Hội tại Hà Lan mừng lễ Mirakelfeest, nghĩa là Phép lạ Thánh Thể. Sau ngày thứ Tư này, các Cuộc đi bộ trong im lặng sẽ diễn ra từ tối thứ Bẩy đến tối Chúa Nhật ngay sau ngày thứ Tư đó.

Thế Giới Nhìn Từ Vatican

ĐHY Tổng trưởng Bộ Tu sĩ: tu sĩ là chứng tá sự thiện mỹ của Thiên Chúa

ĐHY Tổng trưởng Bộ Tu sĩ: tu sĩ là chứng tá sự thiện mỹ của Thiên Chúa
ĐHY Tổng trưởng Bộ Tu sĩ: tu sĩ là chứng tá sự thiện mỹ của Thiên Chúa


Trong thư gửi các tu sĩ nam nữ nhân dịp kỷ niệm 25 năm thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II ban hành Tông huấn Đời sống thánh hiến, Đức Hồng y João Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ Tu sĩ, khuyến khích các tu sĩ làm chứng cho sự cao đẹp của Chúa Ki-tô bằng sự phục vụ vui tươi của mình.

Thiện mỹ là một trong những đặc tính của Thiên Chúa. “Nếu Thiên Chúa là sự thiện mỹ và Chúa Giê-su là Đấng toàn mỹ nhất giữa con cái loài người thì việc được thánh hiến cho Chúa là điều tốt đẹp. Tu sĩ được kêu gọi làm chứng tá cho sự thiện mỹ của Thiên Chúa.” Đức Hồng y Braz de Aviz nhận định: “Trong một thế giới có nguy cơ chìm vào sự tàn bạo đáng lo ngại, via pulchritudinis (con đường của vẻ đẹp) dường như là cách duy nhất để đi đến sự thật hoặc làm cho nó trở nên đáng tin cậy và hấp dẫn.”

Trong thư, Đức Hồng y cảm ơn các tu sĩ đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa và ngài bày tỏ tình liên đới với họ “trong gian khổ và chịu đựng” không chỉ vì đại dịch mà cả trong những biến cố thường ngày của cộng đồng dân sự và xã hội, và mời gọi họ trở thành các chứng nhân để đánh thức ý nghĩa hy vọng nơi tất cả mọi người.

Đời sống thánh hiến quan trọng đối với sứ mạng của Giáo hội

Đức Hồng y Braz de Aviz nhắc lại rằng trong Tông huấn Đời sống thánh hiến, được ban hành năm 1996, các nghị phụ của Thượng Hội đồng giám mục lần thứ IX, nhiều lần khẳng định rằng “đời sống thánh hiến nằm ở trung tâm của Giáo Hội như một yếu tố quyết định đối với sứ mạng của Giáo Hội.”

Dù tông huấn được ban hành trong thời kỳ vô cùng bất ổn, và thiếu sự dấn thân, tài liệu xác định chắc chắn căn tính của đời sống thánh hiến: là “một biểu tượng của Chúa Kitô biến hình”. Do đó Đức Hồng y kêu gọi các tu sĩ kết hợp chiều kích thần linh và con người trong việc phục vụ hàng ngày, kết hợp giữa “sự thiện mỹ tuyệt vời cần được chiêm ngưỡng và sự nghèo nàn đau khổ cần được phục vụ.”

Tương quan

Từ đó Đức Hồng y suy tư về đặc tính trung tâm của “mối tương quan” trong đời thánh hiến. Trước hết, đời sống thánh hiến được hình thành trong và nhờ sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi và nó hướng các tu sĩ tìm kiếm “sự thánh thiện của cộng đoàn: không phải của những người cô độc hoàn hảo, nhưng của những tội nhân nghèo, những người hàng ngày chia sẻ và trao cho nhau lòng thương xót và sự hiểu biết.”

Có cùng những tình cảm của Chúa Giê-su

Tiếp đến Đức Hồng y lưu ý rằng tông huấn Đời sống thánh hiến trình bày một “yếu tố mới” trong việc huấn luyện đào tạo các tu sĩ. Việc đào tạo trong đời sống tu trì nhắm giúp con người “có cùng những tình cảm của chính Chúa Con, Đấng vâng phục, người Tôi tớ đau khổ, con Chiên vô tội.” Ngài nói: “Người Kitô hữu chúng ta tin vào một Thiên Chúa nhạy cảm: Người nghe tiếng kêu rên của kẻ bị áp bức và lắng nghe lời van xin của bà góa; đau khổ với con người và vì con người. Chúng ta muốn tin rằng đời sống thánh hiến, với nhiều đặc sủng, chính là biểu hiện của sự nhạy cảm này.

Hồng Thủy – Vatican News

Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế Thăm Mục Vụ Giáo Sở Phước Tượng Và Khánh Thành Tượng Đài Thánh Cả Giuse

 

Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế Thăm Mục Vụ Giáo Sở Phước Tượng Và Khánh Thành Tượng Đài Thánh Cả Giuse
Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế Thăm Mục Vụ Giáo Sở Phước Tượng Và Khánh Thành Tượng Đài Thánh Cả Giuse

Giáo sở Phước Tượng:

Làng Phước Tượng là một làng quê thuần nông nằm bên dưới chân núi Phước Tượng. Trước đây, việc đi lại còn nhiều khó khăn, từ khi hầm đèo Phước Tượng được thi công thì bên ngoài miệng hầm được mở một con đường rẽ về các xã vùng biển Vinh Hiền thuộc huyện Phú Vang. Nhờ đó người dân và bà con giáo dân đi lại thuận lợi, đời sống dần phát triễn.

Theo sơ lược về Giáo sở Phước Tượng của linh mục Quản xứ Giuse Maria Hồ Sĩ Hiếu Trung thì cụ Mattheo Phan Văn Kinh là người đầu tiên được lãnh nhận Đức Tin vào năm 1886, khi mà những cuộc bắt Đạo chấm dứt bởi hòa ước Nhâm Tuất, tính đến nay vừa tròn 135 năm. Để kính nhớ đến vị tiền nhân đáng kính mà linh mục Hiếu Trung đã cho san lấp mặt bằng và tôn tạo phần mộ của cụ, nằm ở ngay sau lưng Nhà thờ Phước Tượng, kề bên trái của Đài Thánh Cả Giuse mà hôm nay 19 tháng 2 năm 2021, nhằm ngày mùng 8 Tết, Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh về khánh thành và làm phép.

Trải qua nhiều đời linh mục Quản xứ, mỗi vị đều để lại dấu ấn trong lòng mỗi tín hữu và Giáo xứ. Như việc xây dựng Nhà thờ, xây Đài Đức Mẹ, đắp ngọn đồi Can Vê Chúa chịu nạn, dựng 14 chặng đường Thánh giá ngoài trời. Và năm 2020, linh mục Giuse Maria Hồ Sĩ Hiếu trung được bổ nhiệm về coi sóc mục vụ Giáo sở Phước Tượng, ngài tiến hành trùng tu và tôn tạo các cơ sở đã xuống cấp qua thời gian, đồng thời xây dựng tượng đài Thánh Cả Giuse trên một nền đất cao ráo với pho tượng cao gần 7m gồm cả đế.

Khánh thành và làm phép Tượng đài Thánh Cả Giuse:

Giáo dân Phước Tượng từ xưa nay rất sùng kính Thánh Cả Giuse, nên ngay sau khi về nhận xứ, linh mục Quản xứ Giuse Maria Hiếu Trung đã nghĩ đến việc xây dựng Đài Thánh Cả Giuse để tôn kính và cộng đoàn có một nơi để cầu nguyện cùng Người. Chính vì thế mà ngày 19 tháng 3 năm 2020, nhằm vào ngày lễ Kính Thánh Giuse, Giáo xứ đã khởi công xây dựng Đài. Với sự giúp sức của nhiều ân nhân là con cái Phước Tượng xa quê hương và trong Giáo xứ, chỉ trong một thời gian ngắn mà tượng đài được hoàn thành.

Trùng hợp một điều là khi vừa hoàn thành thì vào ngày 8 tháng 12 năm 2020 Đức Thánh Cha Phanxico cũng vừa ban Tông thư “Patris Corde-Trái tim của Người Cha” và công bố Năm Đặc biệt về Thánh Giuse từ ngày 8 tháng 12 năm 2020 đến ngày 8 tháng 12 năm 2021 nhằm kỷ niệm 150 năm Hội Thánh Công Giáo tôn vinh Ngài làm Bổn mạng. Tông thư “Patris Corde-Trái tim Người Cha” gồm 7 phần, mỗi phần được nêu bật:

1/ Một người Cha yêu thương

2/ Một người Cha dịu dàng và yêu thương

3/ Một người Cha vâng phục

4/ Một người Cha chấp nhận

5/ Một người Cha có lòng can đảm đầy sáng tạo

6/ Một người Cha làm việc

7/ Một người Cha trong bóng tối

Mỗi phần của Tông thư được Đức Thánh Cha phân tích và diễn giải tỉ mĩ thì linh mục Quản xứ Hiếu Trung diễn đạt lại bằng một hình ảnh hết sức ấn tượng và được in khổ lớn treo lên trước tường thành khuôn viên nhà thờ để cộng đoàn có thể hằng ngày chiêm nghiệm sự nhiệm mầu mà Người đã mang đến cho giáo xứ luôn biết tôn kính Người.

Cũng với một tấm lòng kính yêu đối với vị Chủ chăn của Giáo phận, sáng ngày 19 tháng 2, nhằm ngày mùng 8 Tết Tân Sửu, Giáo xứ Phước Tượng rực rỡ cờ hoa và sắc màu quần là áo lược, từ các cụ già cao niên với trang phục truyền thống cổ truyền, các Hội đoàn chỉnh tề với đồng phục, các em thiếu nhi ca vũ đều hân hoan tươi vui chào đón Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam về viếng thăm mục vụ đồng thời làm phép và cắt băng khánh thành Đài Thánh Cả Giuse.

Nghi thức diễn ra thật long trọng với sự tham dự của đông đảo linh mục và bà con giáo dân. Giúp vui cho ngày hồng ân là những tiết mục ca vũ và múa Lân của các em thiếu nhi nam nữ trong giáo xứ.

Kết thúc chương trình, ông Mattheu Lưu Bình Hùng, Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ thay mặt Cộng đoàn nói lời tri ân đến Đức Tổng, quý Cha và quý ân nhân xa gần đã góp phần vào công trình xây dựng Đài Thánh Giuse và ngày vui được diễn ra hết sức long trọng.

Đức Tổng Giám Mục ban Phép lành Toàn xá của Tòa Ân giải tối cao cho cộng đoàn tham dự.

Trương Trí

Mới mở cửa lại được một tháng Bảo tàng viện Vatican lại bị đóng cửa vì lo ngại corona virus

 

Mới mở cửa lại được một tháng Bảo tàng viện Vatican lại bị đóng cửa vì lo ngại corona virus
Mới mở cửa lại được một tháng Bảo tàng viện Vatican lại bị đóng cửa vì lo ngại corona virus

Tính đến chiều thứ Hai 15 tháng Ba, tử vong toàn thế giới đã lên đến 2,665,249 người chết, trong số 120,417,290 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ của ngày Chúa Nhật đã có 8,144‬ người chết và thêm 490,230‬ người nhiễm coronavirus.

Tử vong tại Ý đã lên đến 102,145 người, trong số 3,223,142 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong vòng 24 giờ của ngày Chúa Nhật có 264 người chết, và 21,315 trường hợp nhiễm coronavirus.

Vì số người nhiễm bệnh trong một ngày lên quá cao như thế, nên Bảo tàng viện Vatican lại phải đóng cửa. Các nơi khác thường thu hút khác du lịch như dinh thự Giáo hoàng ở Castel Gandolfo, cách Roma khoảng 25 cây số, cũng bị đóng cửa.

Ngày 1 tháng Hai vừa qua, sau 88 ngày đóng cửa, Bảo tàng viện Vatican đã mở cửa lại, nhưng chỉ được một tháng 12 ngày, bây giờ lại phải đóng cửa. Mức độ lây nhiễm coronavirus ở Italia đang gia tăng. Miền Lazio, bao quanh Rôma, từ màu vàng đã chuyển sang sang màu cam, và người ta dự báo vào dịp lễ Phục sinh cả nước này sẽ bị giới nghiêm từ mùng 3 đến 5 tháng Tư.

Bà Barbara Jatta, Tổng giám đốc viện bảo tàng Vatican, cho biết: “Trong những tháng bị đóng cửa, số người viếng thăm viện bảo tàng này tăng vọt qua các mạng xã hội, cũng như nhờ sự cộng tác của Bộ truyền thông của Tòa Thánh và việc xuất bản các videos tham viếng trực tuyến.”

Cho đến nay, Tòa Thánh vẫn chưa thể lên lịch cho các hoạt động quan trọng trong Tuần Thánh và Lễ Phục sinh.

Thế Giới Nhìn Từ Vatican

Các Giám mục Hoa Kỳ bảo vệ luật: “Phá thai cho trẻ vị thành niên phải thông báo cho cha mẹ”

 

Các Giám mục Hoa Kỳ bảo vệ luật: “Phá thai cho trẻ vị thành niên phải thông báo cho cha mẹ”
Các Giám mục Hoa Kỳ bảo vệ luật: “Phá thai cho trẻ vị thành niên phải thông báo cho cha mẹ”


Trong một thư được viết vào ngày 16/3/2021, các Giám mục Hoa Kỳ của bang Illinois phản đối việc bãi bỏ luật: Phá thai cho trẻ vị thành niên phải thông báo cho cha mẹ.

Trong thư, các Giám mục khẳng định “Bãi bỏ quy định này sẽ dẫn đến kết quả bi thảm và không thể đảo ngược”. Các Giám mục trích dẫn thống kê của Bộ Y tế Illinois, theo đó kể từ khi Tòa án tối cao Illinois ban hành luật này vào năm 2013, các vụ phá thai đối với trẻ vị thành niên ở Illinois đã giảm hơn 30%.

“Nhiều sự sống đã được cứu bởi luật này là có thật và đang hiện diện giữa chúng ta. Ở 37 bang của Hoa Kỳ đều yêu cầu một số hình thức tham gia của cha mẹ khi trẻ vị thành niên tìm cách phá thai. Và trong 8 năm, bang Illinois là một trong số các bang thi hành quy định này, không có vấn đề nào phát sinh”, các Giám mục viết, đồng thời kêu gọi các cử tri yêu cầu các thượng nghị sĩ, đại diện bang và thống đốc phản đối dự luật: “Chúng tôi quan tâm đến sự sống con người, và đặc biệt đối với cuộc đấu tranh của những cô gái trẻ có hoàn cảnh khó khăn và những đứa con chưa chào đời của họ, chúng tôi yêu cầu các bạn tham gia vào nỗ lực này. Cùng nhau, chúng ta sẽ mạnh mẽ và chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt”.

Luật “thông báo cho phụ huynh” của bang Illinois đã được thông qua vào năm 1995 nhưng chỉ được thực thi vào năm 2013 sau một cuộc đấu tranh kéo dài tại tòa án. Luật yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phá thai phải thông báo cho cha mẹ của trẻ vị thành niên muốn phá thai ít nhất 48 giờ trước khi phá thai.

Các Giám mục Illinois cho biết luật này dựa trên hy vọng rằng, cha mẹ sẽ được thúc đẩy bởi “tình yêu sâu sắc và nghĩa vụ đạo đức” và “hành động để bảo vệ, hỗ trợ và hướng dẫn con cái của họ” khi được thông báo.

Các Giám mục viết tiếp: “Trong mọi khía cạnh khác của cuộc sống, chúng ta được dạy – và chúng ta dạy – rằng sự tham gia của cha mẹ là chìa khóa cho lợi ích tốt nhất của trẻ em. Việc bãi bỏ luật này không khác gì một sự xâm phạm của nhà nước vào không gian thánh thiêng cuộc sống gia đình: không hỗ trợ trẻ vị thành niên về mặt tình cảm, nhân đạo hoặc vật chất vào thời điểm quan trọng của cuộc đời”.

Các vị mục tử Giáo hội biết rằng, liên quan đến vấn đề này đôi khi có những khó khăn, nhưng đứng trước khó khăn, cần phải cân nhắc về những tác hại gây ra khi điều này hủy hoại cuộc sống gia đình một cách hiệu quả bằng cách tách con cái ra khỏi sự chăm sóc của cha mẹ, những người yêu thương chúng nhất. Chính phủ phải làm mọi điều có thể để hỗ trợ các gia đình, không gây bất ổn.

Ngọc Yến – Vatican News

ĐTC nhận đơn từ nhiệm của Giám mục Gp Hà Tĩnh và bổ nhiệm Giám quản Tông tòa

 Trưa ngày 19/3 phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận đơn từ nhiệm Giám mục Chính tòa giáo phận Hà Tĩnh của Đức cha Phao-lô Nguyễn Thái Hợp. Cùng ngày, Tòa Thánh cũng bổ nhiệm Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, hiện là giám mục phụ tá tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, làm Giám quản Tông tòa giáo phận Hà Tĩnh.

ĐTC nhận đơn từ nhiệm của Giám mục Gp Hà Tĩnh và bổ nhiệm Giám quản Tông tòa


Tiểu sử Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P.

 Sinh ngày 02 tháng 02 năm 1945 tại giáo xứ Làng Anh (Nghi Phong, Nghi Lộc) Nghệ An
▪ Ngày 15 tháng 08 năm 1964: Vào Tập viện dòng Đa Minh tại Vũng Tàu
▪ 1965 – 1972: Học triết học và thần học tại Học viện Đa Minh Vũng Tàu và Thủ Đức
▪ 1968 – 1971: Học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Tốt nghiệp Cử nhân Triết học Đông Phương
▪ Thụ phong linh mục ngày 08 tháng 08 năm 1972 tại Sài Gòn
▪ 1972 – 1978: Du học tại Đại học Fribourg (Thụy Sĩ) và tốt nghiệp Tiến sĩ Triết học Tây phương
▪ 1978 – 1979: Học chính trị kinh doanh tại Đại học Genève, Thụy sĩ
▪ 1981 – 1986: Giáo sư tại Phân khoa Thần học Lima, Péru.
▪ 1984 – 1991: Giáo sư và Giám đốc Học vụ của Học viện Thần học Gioan XXIII, Lima, Péru
▪ 1989 – 1994: Trung tâm nghiên cứu Bartolomé de Las Casas, Lima, Péru
▪ Năm 1994: Tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học Luân lý tại Phân khoa Thần học Đức Mẹ Lên Trời, São Paulo, Brazil
▪ 1996 – 2004: Giáo sư tại Phân khoa Xã hội thuộc Đại Học Giáo Hoàng Thánh Tôma Aquinô, Roma
▪ 2004 – 2007: Giám Đốc Học vụ của Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam
▪ Ngày 13 tháng 05 năm 2010, được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Vinh. Được truyền chức Giám mục ngày 23 tháng 7 năm 2010, khẩu hiệu Giám mục: “Sự thật và Tình yêu”
▪ Ngày 22 tháng 12 năm 2018, Đức Giáo hoàng Phanxicô thiết lập Giáo phận Hà Tĩnh, tách ra từ Giáo phận Vinh và Đức cha Phaolô được bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa tiên khởi của Giáo phận Hà Tĩnh
Tại Đại hội lần thứ XI (4-8/10/2010) của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ủy ban Công lý và Hòa bình được thành lập, Đức Cha Phaolô được bầu làm Chủ tịch Ủy ban trong nhiệm kỳ đầu tiên, 2010-2013. Tại các Đại hội lần thứ XII (7-11/10/2013) và XIII (3-7/10/2016), Đức Cha Phaolô tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.


Tiểu sử Đức Giám mục Luy Nguyễn Anh Tuấn

 Sinh ngày 26 tháng 12 năm 1962 tại Quảng Nam, Đà Nẵng
▪ 1969 – 1979: Học các trường Lasan Mossard, Lasan Taberd Saigon, Trần Quốc Tuấn
▪ 1979 – 1984: Học Đại học Tổng hợp (Khoa học Tự nhiên) Tp. HCM, tốt nghiệp Cử nhân Toán-Tin học
▪ 1993 – 1999: Tu học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Saigon
▪ Thụ phong Linh mục ngày 30 tháng 06 năm 1999 tại nhà thờ Chánh Toà Đức Bà Sài Gòn
▪ 1999 – 2001: Linh mục phụ tá giáo xứ Phú Nhuận, trợ giảng sinh ngữ tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
▪ 2001 – 2006: Học tại Học viện Gia Đình Gioan-Phaolô II (Đại học Lateranensis), Roma; tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học (S.T.D) chuyên biệt về Hôn nhân và Gia đình
▪ 2006: Học về Đào tạo Ơn gọi tại Đại học Gregoriana, Roma
▪ 2006 – 2014: Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn – Tp. HCM
▪ 2007 – 2013: Giám đốc Nhà Huấn luyện Tiền Chủng viện Thánh Phaolô Lộc (Dự bị Đại Chủng viện) của Tổng Giáo phận Sài Gòn – Tp. HCM
▪ 2007 – 2017: Trưởng ban Mục vụ Gia đình Tổng Giáo phận Sài Gòn – Tp. HCM; Thư ký Uỷ Ban Mục vụ Gia đình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
▪ 2007 – 2017: Giám đốc Nhà Huấn luyện Tiền Chủng viện Thánh Phaolô Lộc (Dự bị Đại Chủng viện) của TGP Saigon – Tp. HCM
▪ 2009 – 2014: Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam (Giáo tỉnh Saigon)
▪ 2014 – 2018: Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam
▪ Ngày 25 tháng 08 năm 2017 được Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh (hiệu toà Catrum). Được truyền chức Giám mục ngày 14 tháng 10 năm 2017, khẩu hiệu Giám mục: “Này con đây”
Ngày 19 tháng 03 năm 2021, Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn được bổ nhiệm làm Giám quản Tông Tòa Giáo phận Hà Tĩnh
▪ Tại Đại hội lần thứ XIV (30/9/2019 – 04/10/2019) của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Luy được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Di dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Vatican News

Phút suy tư: Ông Giuđa bán Chúa

 Trong Thiên Chúa giáo, việc ông Giuđa phản bội Chúa Giêsu là việc nổi tiếng.  Nổi tiếng ở chỗ ông bán chính Thầy mình với giá 30 đồng bạc (Mt 27,3).

    


Trong Mùa Chay, nhất là trong Tuần Thánh, tên ông Giuđa được nhắc tới nhiều lần với ý nghĩa xấu.

    Tôi thấy việc hiểu nhân vật này là chuyện không đơn giản.

    Cho dù ông bị mọi người của mọi thế hệ kết án là người phản bội, thì rõ ràng sự phản bội của ông cũng đã trở thành một biểu tượng lớn cho nhiều thứ phản bội khác của bao nhiêu người khác.  Biết đâu trong số đó có chúng ta.

    Vì thế, tôi xin trình bày vài suy nghĩ của tôi.  Suy nghĩ riêng tư, nhưng cũng dựa trên Phúc Âm.

    Được chọn và được trọng dụng.

    Ông Giuđa là người thuộc nhóm 12 môn đệ Đức Kitô.

    Nhóm 12 này được coi là những người được Chúa Giêsu tuyển chọn cách riêng.

    Bốn Phúc Âm đều nhắc đến tên ông Giuđa này, biệt danh là Giuđa Ítcariốt  (Lc 6,16).  Điều hơi đặc biệt là tên ông được nhắc tới không dưới 10 lần.  Đang khi một số môn đệ khác chỉ được nói tới phớt qua.

    Thuộc nhóm 12 đã là một vinh dự lớn.  Thêm vào vinh dự lớn đó, ông Giuđa còn được trao trọng trách giữ tiền.  Với nhiệm vụ giữ tiền chung, ông được coi như người quản lý lo về vật chất và phác họa các kế hoạch cho các di chuyển và việc ăn ở hằng ngày của cộng đoàn.  Nếu gọi ông là người lập kế hoạch cho nhóm về phương diện vật chất, thì cũng không quá đáng.

    Như vậy, ông Giuđa là người tháo vát.  Trong một thời gian dài, ông được Chúa Giêsu tin tưởng và được các bạn tín nhiệm.

    Trước biến cố Chúa Giêsu nạp mình bị bắt, bầu khí trong cộng đoàn không có dấu chỉ nào cho phép dự đoán xấu về ông, khiến các môn đệ phải nghi ngờ ông.

    Tự hào với ý riêng.

    Ông Giuđa, được tiếp cận với Chúa Giêsu kể như thường xuyên, được nghe Người giảng dạy, được chứng kiến nhiều phép lạ Người làm, hơn hữa, ông lại là người Chúa chọn cách riêng.  Nên không thể nghi ngờ về đức tin của ông.

    Trái lại, theo thiển ý của tôi, ông thuộc trường phái Zêlốt gồm những người nhiệt thành về đạo.  Ông rất khao khát Đấng Cứu thế đến.  Ông rất thao thức với việc thiết lập Nước Trời.  Ông tin giờ hạnh phúc đó đã tới gần.

    Bởi vì chính Đức Kitô cũng thỉnh thoảng nói về thời giờ đã gần tới.  Người còn dạy phải cầu nguyện cho Nước Cha trị đến.

    Ông rất tin Thầy mình là Đấng quyền năng.  Ông tin tình hình đã tới lúc đổi mới.  Ông chứng kiến cảnh từng vạn người từ khắp nơi đổ về thủ đô, để tung hô đón Thầy mình từng bừng.  Họ tôn vinh Thầy mình là vua (Mt 24,8-10).  Ông thấy Thầy mình mạnh tay đuổi những kẻ buôn bán khỏi đền thờ (Mt 21,12-13).  Người tỏ mình là Đấng cứu dân (Mt 21,14-17).  Vì thế ông tự hào về hy vọng của ông bao năm hằng ấp ủ.

    Nhưng, chính lúc đó, ông lại thấy Thầy mình tỏ ra không hào hứng chút nào.  Trái lại, Người còn nói xa nói gần về một cái gì u ám sắp xảy ra.  Như “Còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt qua, và Con Người sắp bị nộp, để chịu đóng đinh vào thập giá” (Mt 26,2).  Vì thế, ông Giuđa nghĩ rằng: Mình cần phải có một kế hoạch, để việc đắc thắng của Thầy trò mình nhất định phải thực hiện cho bằng được, càng sớm càng tốt.

    Rơi vào những sai lầm trầm trọng.

    Thế là ông đưa ra kế hoạch, ép Chúa Giêsu phải sớm tỏ ra uy quyền và vinh quang, ép Người phải sớm thiết lập một Nước Trời đầy công bình và vâng phục luật Chúa, ép Người phải chứng tỏ mọi hy vọng của ông về Chúa là đúng, là chính đáng.

    Thế là, ông mưu đồ bán Chúa.  Đây chỉ là một chiến lược.

    Nhưng, Giuđa đã sai lầm trầm trọng.

    Sai lầm thứ nhất là ông tưởng Chúa Giêsu, khi bị bắt, sẽ thoát khỏi tay quân dữ một cách dễ dàng. Uy quyền Chúa sẽ tràn lan.  Nhưng Chúa Giêsu lại không làm như ông muốn.

    Sai lầm thứ hai là ông tưởng việc thiết lập Nước Chúa sẽ được thực hiện bằng quyền lực, bằng những thành công rực rỡ lẫy lừng.  Nhưng thánh ý Chúa rất khác.  Nước Chúa sẽ đến qua con đường khiêm tốn, yêu thương tự hạ hy sinh.  Chúa và các môn đệ Người sẽ phải chịu mọi cực hình cho đến chết trên thánh giá để làm chứng nhân cho tình yêu cứu độ.

    Sai lầm thứ ba là ông thiếu khiêm nhường và tỉnh thức trước các lời Chúa khuyến cáo.  Ông tự cao, cứ bám chặt vào cái nhìn chủ quan của mình.

    Sai lầm thứ tư là sau khi sự Chúa bị bắt và bị nhục hình đã đánh thức lương tâm ông, thì ông lại vội thất vọng về Chúa và về chính mình.  Ông tưởng chỉ còn một lối duy nhất để giải quyết lỗi lầm của ông, là treo cổ tự tử.  Ông không nhớ, hoặc không tin vào lòng thương xót của Chúa.  Ông không đủ khiêm nhường, để theo Chúa đến thánh giá, đến mộ, và trở về với nhóm 12.  Họ cũng là những người bội phản, kẻ cách này, người cách khác.  Nhưng họ khiêm tốn vẫn tin theo Chúa trong tâm hồn.  Sau cùng, họ đã gặp Chúa sống lại, và đã được Người thứ tha mọi lỗi lầm, yếu đuối.

Những bài học.

    Với mấy suy nghĩ trên đây, tôi nghiêng về hướng không buộc tội ông chỉ vì tham tiền mà phản bội Chúa.  Thực ra, chỉ có Chúa mới là Đấng có thẩm quyền xét xử ông.

    Riêng tôi chỉ muốn rút ra cho mình những bài học hữu ích.

    Qua sự kiện Giuđa, Chúa Giêsu dạy tôi luôn phải bắt chước Người, trong việc vâng phục thánh ý Chúa Cha.  Vâng phục với tâm tình phó thác tuyệt đối.

    Tôi phải rất thận trọng trong các việc mình tự cho là để làm sáng danh Chúa.  Bởi vì rất nhiều trường hợp, ý Chúa lại rất khác ý ta.  Việc tôi làm tưởng là việc tốt, nhưng trước mặt Chúa lại là một thứ phản bội ơn gọi làm chứng nhân cho Đấng Cứu thế khiêm nhường, khó nghèo, hy sinh.

    Tôi tin Nước Trời sẽ đến.  Nhưng Nước Trời như một hạt giống gieo vào lòng đất.  Hạt giống đó sẽ phát triển và mọc dần dần (Mc 4,26-29).  Chứ Nước Trời không được thiết lập bằng bất cứ quyền lực nào.

    Sự tin cậy phó thác của tôi nơi Chúa mở ra trong tôi một cái nhìn mới.  Tôi tin vào Cha giàu lòng thương xót.  Cha thì biết cái gì là tốt hơn cho con.  Nên trước những xung đột nội tâm, tôi vững tâm nói với Cha lời Chúa Giêsu đã nói ở vườn Cây Dầu: “Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự.  Xin cho con khỏi uống chén này.  Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14,36).

    Nhất là tôi đặt hết tâm tình tôi vào lời phó thác “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).  Lời phó thác đó là lời sau cùng Chúa Giêsu nói trên thánh giá.  Còn đối với tôi, đó là lời phó thác của mọi ngày, mọi giờ, mọi phút, suốt cả đời tôi.

    Sau cùng, tôi xin Chúa thương giúp tôi biết sử dụng đúng sự tự do, địa vị và các tài năng của mình.  Giuđa đã sử dụng sai các ơn Chúa ban.  Nhưng Chúa không ngăn cản.  Hơn nữa, Chúa còn ưu ái ông.  Vì thế, ông đã đi xa, chìm sâu trong lầm lạc.  Về phương diện này, có thể nói tội phản bội của Giuđa vẫn tái diễn.  Đến nỗi, còn có thể nói thêm: Nếu không biết khiêm nhường tỉnh thức, thì trong mọi người chúng ta vẫn thấp thoáng bóng một Giuđa phản bội.

    Hy vọng đừng ai coi thường tiềm năng phản bội đó nơi chính mình.

 

GM Bùi Tuần


Phần 1

Phần 2

Bài Tiêu Biểu

- Copyright © Giáo xứ bích trì - Blogger Templates - Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -