Posted by : Phạm Văn Hiếu Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

Lễ Cưới Người Công Giáo
Lễ Cưới Người Công Giáo


Sau Thánh lễ, chúng tôi ra về. Cổng nhà thờ vẫn khóa. Nhưng chỉ vài phút chờ mở cửa mà mỗi người Công Giáo lại có mỗi suy tư khác nhau. Ai cũng nói rằng lễ cưới hôm nay thật đơn sơ. Có chị bảo: Thà cứ đơn sơ thế này còn hơn là to tát. Mà kể cũng lạ, cứ như là cái dớp vậy, cứ Thánh lễ cưới hoành tráng là sau đó sống với nhau chẳng ra gì… Trăm phần trăm đấy… Tôi chợt quay lại và bảo chị: Không phải đâu chị ơi, tất cả là do bản chất và sự giáo dục trong gia đình của họ thôi. Chứ Thánh lễ nào chả có ơn Chúa, do họ sống sau này chứ đâu phải do dớp gì đâu….Rồi chúng tôi ra về, từ nhà thờ, chúng tôi lại về trên mọi nẻo đường đời sống…


Mỗi lần tham dự Thánh lễ cử hành Bí tích Hôn Phối cho đôi bạn là tôi lại thấy chộn rộn niềm vui hơn mọi ngày. Đặc biệt là vẫn giờ ấy, ngày thường ấy nhưng khi tới Nhà thờ, thật bất ngờ khi thấy khăn nơ, nến và hoa rực rỡ. Bất ngờ hơn nữa là tôi được Đức Kitô mời dự lễ cưới…, thật bất ngờ! Từ bất ngờ ấy, tôi thấy mình cũng như được Cưới vậy. Chỉ khác là khi đôi bạn trẻ thề hứa yêu nhau trước ban thờ Chúa thì cũng là lúc trái tim tôi như đang lặp lại lời thề hứa khi chịu Phép Rửa tội đoan hứa chung thủy với Chúa trong đời sống Đức Tin tới trọn đời…


Mỗi người Công Giáo tham dự Thánh lễ mỗi ngày đã là một chứng nhân truyền giáo cho Chúa thì tham dự Thánh lễ cử hành Bí tích Hôn Phối lại càng phải trở nên chứng nhân truyền giáo hữu hiệu hơn. Bởi vì không ít thì nhiều, không đông thì thế nào cũng có điểm tô vài bông hoa chưa ở trong vườn hoa của Chúa vào tham dự Thánh lễ. Bởi vì có Thánh lễ cử hành bí tích Hôn phối cho đôi bạn xuất thân từ gia đình toàn tòng nhưng cũng có Thánh lễ cử hành bí tích Hôn phối cho đôi bạn một người Đạo gốc, một người Tân tòng, nên khi họ tới Nhà thờ thì đám đông đi theo có nhiều người ngơ ngơ ngác ngác chưa biết đám cưới của người Công Giáo ra sao cả. Thậm chí người ta ăn mặc rõ là thời trang, trang điểm rõ là ấn tượng như trên sân khấu và họ cứ tưởng Nhà thờ là cái rạp hát (vì thấy ghế ngồi hơi giông giống), rồi ồn ào chọn chỗ ngồi phía trên để nhìn cô dâu, chú rể cho rõ, rồi cử chỉ ngồi trong Nhà thờ khi cắn hạt hướng dương, khi vắt vẻo chân, khi dùng điện thoại… Có lần tôi còn chứng kiến, cô dâu và chị chú rể (có lẽ về vấn đề giáo lý này, người Đạo gốc cũng chưa được hiểu hết thì phải) trước khi vào Thánh lễ còn đứng hẳn lên gian Cung Thánh gần Bàn thờ Chúa chụp ảnh… Có lẽ họ cứ nghĩ rằng đó là một sân khấu chăng? Họ không nhớ ra hay chưa có ai nói cho họ biết rằng Gian cung Thánh và nơi Bàn thờ Chúa là dành cho những cử chỉ phụng vụ chỉ được thực hiện bởi những người được Giáo Hội chỉ định? Giật mình vậy để rồi âm thầm cầu nguyện cho họ nhiều hơn để họ được nhạy cảm hơn và chú ý hơn. Thật ra tất cả những điều này khi học giáo lý Dự tòng và Hôn nhân, học viên đều được các cha, thầy và sơ giảng rất kỹ. Nhưng cũng vì khi màu hồng của háo hức cứ rực lên trong đôi mắt, trong trái tim về tương lai rồi thì đôi khi hai lỗ tai cứ lùng bùng nghe chẳng còn rõ nữa… Chúa đã nhắc bao lần: “Ai có tai thì nghe” rồi mà….


Nói tới chứng nhân truyền giáo cho Chúa trong Thánh lễ cử hành Bí tích Hôn phối cho đôi bạn thật quan trọng biết nhường nào. Mỗi một người Công Giáo trong Thánh lễ ngày thường lặng lẽ là vậy nhưng hôm nay bỗng nổi bật vì từng cử chỉ phụng vụ Chúa, từng lời nói nhắn nhủ anh chị em không Công Giáo, từng thái độ ánh mắt dịu dàng, nụ cười hân hoan và mời gọi anh chị em ấy tham dự vào cầu nguyện cho đôi bạn hay là cử chỉ phụng vụ qua loa, chỉ dè chừng, chực nhắc nhở, mắng mỏ họ… đều trở nên có tác dụng gây cảm động hay là phản cảm ngay. Trong Chúa, chúng ta có muôn vàn cách để biểu lộ việc chúng ta muốn làm. Dù niềm tin khác nhau, dù ngôn từ khác nhau nhưng có chung một ngôn ngữ, ngôn ngữ của cơ thể, ta có thể mời họ ngồi cùng ghế của ta và khi ấy họ sẽ nhìn ta, họ sẽ theo ta trong Thánh lễ. Và đặc biệt tới giờ Hiệp lễ, thì ta có thể nhẹ nhàng nói với họ rằng: Bạn ngồi yên đây nhé. Chưa là người Công Giáo thì chưa được lên rước lễ đâu. Rồi trước khi vào Nhập lễ, ta có thể giơ cái điện thoại đã tắt nguồn hoặc để chế độ im lặng lên cho họ xem, ra hiệu cho họ làm như ta. Ấy thế là họ hiểu ngay. Hoặc chỉ cần nói với họ rằng: Đây là nơi thờ tự của chúng tôi, các bạn hãy tôn trọng như chính nơi thừa tự của các bạn vậy. Có lẽ sẽ có tác dụng hơn hét to lên rằng: “Đây là Nhà Chúa, không được làm ồn….” Bởi vì khi người ta chưa được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và nhất là trong một thời gian ngắn có vài chục phút vậy thì những người ngoại đạo kia họ chẳng hiểu gì đâu. Họ chỉ thấy bực mình hoặc thấy rằng những người Công Giáo sao mà ghê gớm quá.


Ấy là nói tới sự truyền giáo bên ngoài của người Công Giáo nếu dùng những phương thức đơn sơ chân thành thế nào cũng có tác dụng. Nhưng phương thức mà Chúa dùng để truyền giáo cho dân ngoại sâu xa và siêu nhiên triệt để đó chính là Bầu khí thiêng liêng khi linh mục cử hành Mầu nhiệm Thánh. Khi thả mình vào Thánh lễ, cố gắng không chú ý tới những gì bên ngoài nữa, tôi bỗng nhận ra, tất cả những gì con người gồng mình lên để làm cho thế giới biến đổi thì chẳng là bao nếu không có Ơn Chúa giúp. Chính Chúa mới là trung tâm điểm của Thánh lễ chứ đâu phải những thứ hoa, nến, điện đèn và những người Công Giáo đạo đức kia đâu. Tuy thế, Chúa lại muốn dùng Linh mục qua bài giảng rất gần gũi về tình gia đình, tình yêu phu phụ vị tha và những người Công Giáo qua cử chỉ phụng vụ của họ để trở nên chứng nhân truyền giáo cho Chúa. Có quan sát toàn bộ Thánh lễ mới thấy rõ sự nhẫn nại của Chúa, sự ung dung của Chúa từ trên cao nhìn xuống khi Nhà thờ còn ồn ào nhốn nháo vì chọn chỗ ngồi, vì chọn người dâng của lễ… vì người bước thấp bước cao, chạy đi chạy lại lo toan cho kịp giờ lễ… tới khi thật sự bước vào Thánh lễ với bầu khí trang nghiêm và siêu thoát lạ thường. Vậy cớ sao người Công Giáo ta cứ lo lắng rằng những người ngoại đạo kia sẽ làm hỏng buổi lễ cơ chứ. Cánh cổng Nhà thờ hôm nay rộng mở đón họ, có người cả đời mới một lần có dịp vào Nhà thờ kia mà…


Ừ nhỉ, hay ghê cơ. Nên rốt cuộc, mỗi chúng ta, mỗi người Công Giáo đã được Chúa trao phó cho sứ mệnh làm chứng nhân cho Ngài thì xin hãy cứ bền bỉ cho tới trot cuộc đời, vậy thôi….


Lạy Chúa, xin Ngài thêm sức mạnh Tình Yêu của Ngài cho chúng con để mỗi người Công Giáo chúng con trở nên chứng nhân truyền giáo đích thực của Ngài. Amen.


Thánh lễ Hôn phối 21.02.2011 – Tín hữu tân tòng

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

Bài Tiêu Biểu

- Copyright © Giáo xứ bích trì - Blogger Templates - Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -